Công nghệ lạc hậu, là tác nhân gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe của người dân. Đó là cảnh báo vừa được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra ngay sau khi UBND TP Đà Nẵng có quyết định ngừng hoạt động hai nhà máy quy mô lớn, do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, theo dự báo, trong những năm tới, cả nước có khoảng hơn 40 nhà máy mới được xây dựng thêm, tập trung tại các địa phương ven biển, ven sông…
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được xây dựng tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Hiện Việt Nam là quốc gia thứ 5 kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong bối cảnh thiếu năng lượng trầm trọng. Theo quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) dự kiến tới năm 2020 cả nước sẽ sử dụng 49,3% trong tổng sản lượng điện quốc gia; năm 2025 là 55% và 53,2% vào năm 2030.
Hiện cả nước cũng đã có 26 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, trong đó có nhiều nhà máy vẫn sử dụng công nghệ đốt lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB), là công nghệ sử dụng than nội địa chất lượng rất thấp.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam, trong số các dự án kêu gọi đầu tư còn sử dụng công nghệ lạc hậu tại các địa phương thì nhiều nhất là các dự án nhiệt điện than. Thực trạng này sẽ gây tác động lớn đến môi trường, cũng như sản xuất nông nghiệp.
Các nhà máy nhiệt điện than ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đang gây những lo ngại về ô nhiễm đối với các khu dân cư. Theo quy hoạch, từ nay đến 2030 thì cả khu vực này sẽ có đến 14 nhà máy nhiệt điện than với công suất 18.268 MW.
Trong đó, lượng nước tiêu thụ của riêng Nhà máy nhiệt điện than Long An 1 đã gấp đến 3 lần hệ thống cung cấp nước sạch của cả thành phố Hà Nội (1,5 triệu m3/ngày đêm), trong đó lượng than nội địa tiêu thụ lên đến trên một triệu tấn mỗi năm; lượng phát thải CO2 sẽ vượt mức 6,5 triệu tấn/năm…
Theo báo cáo tác động môi trường và xã hội của than và nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam do nhóm nghiên cứu thuộc Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam thực hiện tại 6 nhà máy nhiệt điện than đã chỉ ra 5 loại tác động của việc khai thác và sản xuất nhiệt điện than.
Nghiên cứu của nhóm đưa ra con số 4.300 ca tử vong mỗi năm do tác động của ô nhiễm than trên cả nước. Con số này được dự báo có thể lên đến 21.100 trường hợp vào năm 2030 nếu việc tiêu thụ than tăng theo đúng quy hoạch. Con số này có thể so sánh với số ca tử vong do tai nạn giao thông, với khoảng 22.000 người (năm 2013, theo WHO).