Nhược cơ là một bệnh lý tự miễn do rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể, đặc trưng bằng tình trạng yếu mỏi các cơ vận động. Đây là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc mới khoảng 5/100.000 dân. Bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường gặp ở phụ nữ.
Nhược cơ (Myasthenia gravis) là bệnh lý thần kinh cơ mạn tính đặc trưng với tình trạng yếu cơ xảy ra từng đợt hoặc liên tục với nhiều mức độ khác nhau. Nhóm cơ thường bị ảnh hưởng là các cơ vân, hoạt động theo ý muốn trong cơ thể như: cơ mặt, cơ nhai, cơ vận nhãn, các cơ tứ chi, cơ hô hấp, đe dọa tính mạng vì suy hô hấp.
Nhược cơ được xếp vào bệnh tự miễn, do sự tồn tại các tự kháng thể chống lại thụ thể acetylcholin trên màng tế bào cơ tại các vùng tiếp nối thần kinh cơ hậu synap. Điều này dẫn đến các tín hiệu do dây thần kinh dẫn truyền tới không được tế bào cơ tiếp nhận.
Theo các bác sĩ Khoa Phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh thường biểu hiện đầu tiên ở mắt (sụp mi). Bệnh nhân cũng có dấu hiệu khác như đầu thường rũ xuống, nét mặt thường buồn rầu, mệt mỏi, nhìn đôi, nhìn mờ. Nặng hơn, bệnh nhân có biểu hiện toàn thân như yếu tay chân, khó nuốt, nói khó. Nặng hơn nữa, bệnh nhân bị liệt các cơ hô hấp không thở được, có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Các triệu chứng yếu cơ thường xuất hiện vào cuối ngày, hoặc sau khi vận động nhiều và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Các cơ thường bị ảnh hưởng một bên, không đối xứng, có các biểu hiện rối loạn khác nhau.
Tuy không phải là một bệnh lý phổ biến, nhưng bệnh nhược cơ có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng gấp đôi nam giới, thường gặp ở phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi hoặc trên 70 tuổi và nam giới trên 50 tuổi.
Trên lâm sàng, nhược cơ được phân loại thành các nhóm sau:
Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu liên quan, cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám và có những biện pháp điều trị bệnh kịp thời.