Mùa hè, mùa mưa bão, sét xuất hiện khá thường xuyên, tác động tiêu cực tới cuộc sống. Vì thế, hiểu về hiện tượng thiên nhiên này để phòng tránh là điều rất quan trọng.
1. Khoảng năm 1925, giới khoa học thế giới đã công bố những nghiên cứu quy mô về sét. Hiện tượng thiên nhiên ấy được coi là rất nguy hiểm, đặc biệt là khi vào thời điểm đó nhiều khối nhà cao được xây dựng. Trên nóc của những tòa nhà ấy, người ta phải bố trí hệ thống thu lôi lớn.
Sau này, nhiều nơi tiến hành nghiên cứu sét, trong đó, những công bố của các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Mỏ và công nghệ New Mexico, Đại học Florida và Viện công nghệ Florida (Mỹ) đã cho rằng có thể phòng tránh sét một cách hiệu quả và nhất là có thể thu được năng lượng từ sét phục vụ cho cuộc sống. Có nghĩa là năng lượng ấy được biến thành điện năng.
Về bản chất, sét (hay tia sét) là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu. Sét đôi khi còn xuất hiện trong các trận phun trào núi lửa hay bão bụi. Đáng chú ý, vận tốc của chúng rất lớn: Khi phóng điện trong khí quyển tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000 km/giây và trong nhiều trường hợp đạt tới nhiệt độ 30.000 °C- gấp 20 lần nhiệt độ cần thiết để biến cát silica thành thủy tinh. Các nhà khoa học tính ra rằng, trong vòng 100 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 16 triệu cơn dông và hầu hết các cơn dông thì đều có sét. Tất nhiên, không phải lần nào sét cũng đánh xuống đất, nhưng trên thực tế nhiều vùng trên hành tinh đã trở thành “túi sét”, nơi đó hầu như vắng bóng con người.
Sét không chỉ phóng xuống những nơi trống vắng mà thường xuyên đánh vào đô thị.
Trở lại với việc nghiên cứu về sét, người ta cho rằng nhà khoa học Benjamin Franklin (1706 - 1790) là người mở ra việc nghiên cứu hiện tượng thiên nhiên này. Tháng 6/1752, ông đã cùng con trai của mình trực tiếp thử nghiệm bằng cách buộc một chiếc chìa khóa sắt vào đoạn cuối của dây diều và cắm nó xuống đất, cho đến khi một tia sét phóng trúng con diều (vì ông trở thành vật dẫn điện). May mắn cho hai cha con nhà Franklin đều sống sót sau thí nghiệm cực kỳ nguy hiểm kia. Và cũng từ đó Franklin kết luận rằng sét chính là điện.
Sau này, bằng nhiều nghiên cứu, người ta biết rằng có nhiều loại sét, như sét khô, sét hòn, sét tên lửa, sét dương, sét dị hình... Với sét khô, chúng thường phóng xuống những khu vực núi lửa. Đây là loại sét được tạo thành mà không cần có độ ẩm. Nó thường hình thành trong các trận cháy rừng dữ dội và trong các cột tro núi lửa bốc lên từ đó hình thành sét. Loại sét này khi phóng xuống đất thường tạo ra những đám cháy dữ dội trên diện tích lớn. Với sét dương, là loại sét hiếm thấy và tới nay người ta vẫn không hiểu biết nhiều về nó. Chúng có thể xuất hiện ngay cả khi bầu trời hoàn toàn quang đãng hay chỉ có vài đám mây nhỏ vì thế nó còn được gọi là “Sét từ bầu trời xanh”. Sét dương lao nhanh qua bầu trời trước khi tìm thấy và đi vào đám mây tích điện âm bên dưới, rồi bất thần đánh xuống đất. Vì quãng đường mà nó di chuyển cực xa vì thế điện áp của nó cao hơn 6-10 lần nhiều loại sét khác, tác hại là rất lớn. Tới nay, người ta vẫn không thể cảnh báo được sét dương, chính vì thế không ít trường hợp máy bay khi đang bay đã bị chúng đánh phải. Người ta vẫn nhắc tới trường hợp chiếc Boeing 707 Pan Am Flight 214 bị nổ tung và rơi xuống thành từng mảnh khi đang bay năm 1963- được coi là bị sét dương “đánh chết”.
Còn với sét hòn tuy rằng vẫn còn đang gây tranh cãi song người ta đã mô tả chúng dưới dạng các vật phát sáng hình cầu bay lơ lửng có kích cỡ đôi khi lên tới vài mét. Nó không dễ dàng biến mất mà bay lơ lửng, tồn tại trong nhiều giây. Nhiều nhân chứng đã khẳng định chính mắt thấy sét hòn chui qua cửa sổ vào nhà, nhưng vẫn không hề được ghi hình lại bởi các nhà khí tượng. Có lẽ vì thế mà câu chuyện về sét hòn luôn được thêu dệt với nhiều tình tiết và được người đời truyền tụng như một sự bí hiểm.
Giới khí tượng học cũng đã dành nhiều công nghiên cứu sét dị hình. Đây là một loại sét có quy mô rất lớn hình thành trên cả các đám mây bão, từ đó có nhiều hình dáng khác nhau. Sét dị hình xuất hiện ở khoảng cách 80 km đến 145 km so với mặt đất, được ghi hình lần đầu tiên vào ngày 6/7/1989 bởi các nhà khoa học thuộc đại học Minnesota (Mỹ). Sét dị hình cũng được coi là thủ phạm tấn công máy bay hoặc khinh khí cầu (khi bay ở độ cao lớn). Trong sét dị hình, có sét dị hình xanh, dị hình trắng, dị hình đỏ, nhưng dị hình xanh là nhiều hơn cả. Chúng từng bị tưởng nhầm là một ngôi sao băng. Và cũng từ sự “nhầm” này mà tai họa có thể đến bất cứ lúc nào.
Máy bay cũng là đối tượng dễ bị sét đánh.
2. Sét làm cháy rừng, tai nạn hàng không và giết chết nhiều người. Đối với mặt đất, sét có thể gây thương tích bằng cách thức đánh thẳng vào vị trí nạn nhân từ trên đám mây xuống, lan truyền qua đường dây cáp tới các vật như điện thoại, tivi, ổ cắm. Tuy nhiên, một thống kê của cơ quan khí tượng Mỹ năm 2016 thì ngoài 40% nạn nhân bị sét đánh không rõ nguyên nhân, 27% là khi họ đang ở khu vực trống trải, 19% ở gần cây, 8% đang bơi hay ở khu vực gần nước, 3% khi đứng gần máy móc, 2,4% khi đang nói điện thoại, 0.7% liên quan đến đài, tivi, anten...
Từ đó, các nhà khoa học khí tượng đưa ra những khuyến cáo phòng tránh sét đánh. Khi trời sắp xảy ra dông, thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là toà nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Tuy nhiên, cần đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Vô tuyến nối với dây anten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có dông.
Còn lúc đó, nếu bạn ở ngoài trời thì tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt... Ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ. Phần tiếp xúc của người với mặt đất ít nhất (đứng nhón chân, không được nằm xuống đất).