Thời gian qua TP Cần Thơ quan tâm thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội với các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật (NKT) được thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện nhiều chính sách về y tế, việc làm, giáo dục văn hóa...
Nhiều năm qua TP Cần Thơ luôn nỗ lực xóa bỏ rào cản để NKT dễ dàng hòa nhập cộng đồng xã hội, trong đó Hội Người khuyết tật là đơn vị đi đầu trong mục tiêu này. Các đối tượng bảo trợ xã hội thì NKT là đối tượng rất dễ mặc cảm với những khiếm khuyết trên cơ thể nên thường bi quan, chán chường, không muốn tiếp xúc...
Thấu hiểu với những vấn đề NKT gặp phải, các cán bộ của Hội luôn tìm cách giúp đỡ các hội viên nhất là chăm sóc tâm lý và giải quyết vấn đề việc làm cho NKT. Hàng năm, Hội tổ chức giới thiệu sản phẩm của NKT, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, mở lớp dạy nghề, tổ chức nhiều hoạt động để NKT có cơ hội hòa nhập cộng đồng, rèn luyện kỹ năng tự tin vào bản thân.
Thống kê của Hội Người khuyết tật, toàn TP Cần Thơ, có 19.220 người khuyết tật, chiếm 1,55% so với dân số. Trong đó đối tượng khuyết tật vận động là cao nhất: 12.659 người, chiếm tỷ lệ 65,87%.
Để giúp cho đội ngũ cán bộ chăm lo cho NKT có thêm kỹ năng tiếp xúc, chăm sóc NKT, thời gian qua Hội kết hợp với Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ, và các tổ chức mở lớp tập huấn nắm bắt các thông tin liên quan đến công tác vận động chính sách, các bước để thực hiện các cuộc vận động chính sách…cho NKT, giúp cán bộ nhân viên có kỹ năng đọc hiểu các văn bản pháp luật và tư vấn đồng cảnh về các nội dung liên quan đến pháp luật.
Qua đó, trang bị cho các cán bộ những kiến thức cơ bản về Luật NKT cũng như kỹ năng trợ giúp pháp lý cho hội viên NKT, giúp NKT hòa nhập cộng đồng, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Chị Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ, chia sẻ: “Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ thành lập với ý nghĩa phải tạo cơ hội cho các bạn hòa nhập với cộng đồng và điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy của các bạn, để tìm kiếm cơ hội việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trách nhiệm của chúng tôi là hỗ trợ tư vấn, khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện để NKT tham gia vào thị trường lao động nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao giá trị NKT; hỗ trợ và thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức thành viên. Đồng thời, Hội thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên; góp phần thực hiện tốt chính sách Đảng và Nhà nước đối với NKT…”
Chị Nhung cho biết thêm: “Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ hội viên thay đổi quan niệm sống, tích cực hòa nhập xã hội, Hội dự kiến triển khai nhiều dự án hỗ trợ việc làm cho hội viên. Với những nỗ lực này, hy vọng, nhiều NKT thành phố Cần Thơ sẽ thêm tự tin hòa nhập xã hội và có cuộc sống tốt đẹp hơn...”
Nếu ví cuộc đời này như những mảnh đất mà ở đó chúng ta là những hạt giống được thả ngẫu nhiên chờ nảy mầm, thì có những loại cây chẳng cần đợi nắng hay mưa mà biết tự mình vươn rễ ra tìm mạch nước ngầm để nở hoa khoe sắc và tỏa hương. Chị Ôn Thị Hồng Nhan là đóa hoa đẹp giữa đời thường khi biết tự vươn lên tìm cuộc sống mới cho chính mình và lan tỏa tinh thần vượt khó cho nhiều người có hoàn cảnh giống chị.
Trò chuyện với phóng viên, chị Nhan chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật khi mới 9 tuổi mọi sinh hoạt đều cần người giúp đỡ. Năm 24 tuổi, vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình tôi quyết đi học nghề, lúc đầu tôi được nhận làm thợ thủ công mỹ nghệ tạo ra các sản phẩm từ gáo dừa. Năm 2016, Hội NKT mở lớp đào tạo nghề thiết kế đồ họa tôi đăng kí theo học và sau đó tôi được nhận vào làm tại một công ty chuyên về quảng cáo – in ấn. Hiện tại, tôi có công việc ổn định và một cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều so với trước kia.”
Chị Nhan chia sẻ thêm những khó khăn mà chị từng trải qua: “Lúc đầu khi mới vào Hội tôi gặp trở ngại vì không biết sử dụng xe lăn, và rất ngại khi tiếp xúc với mọi người, nhưng nhờ các anh chị giúp đỡ, động viên cho tôi đi học các lớp về văn hóa, Anh văn, cho học nghề. Thông qua các hoạt động giao lưu tôi có thêm nhiều kiến thức, tìm thêm được nhiều bạn mới, các anh chị đã làm tôi thay đổi tư duy, sống hòa nhập không còn mặc cảm mà tự tin về bản thân mình.”
Có thể thấy, để NKT dễ dàng hòa nhập xã hội, ngoài nỗ lực cá nhân của từng người, còn cần một phần rất lớn là nhờ vào sự động viên, hỗ trợ từ các cán bộ Hội. Không chỉ làm đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của công việc yêu cầu người cán bộ Hội là những người biết lắng nghe chia sẻ đồng cảm với nỗi bất hạnh của người khác.