Sức khỏe

Cẩn trọng bệnh lý viêm phổi thuỳ ở trẻ em

Thanh Tiến 15/12/2023 16:47

Thời tiết thay đổi, chuyển lạnh khiến trẻ dễ mắc bệnh viêm phổi thùy. Bệnh này, nếu không điều trị đúng cách, có thể có những biến chứng nặng...

Ngày 15/12, BS.CKI. Lê Kim Uyên, Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, viêm phổi thùy là tình trạng tổn thương viêm một hay nhiều thùy phổi. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng…

x-quang-truoc-dieu-tri.jpeg
Ảnh chụo X-Quang của một bệnh nhi viêm phổi thùy biến chứng suy hô hấp.

Ban đầu trẻ có thể sốt, lạnh run, đau tức ngực, ho khan, có thể khó thở. Vài ngày sau đó, các triệu chứng bệnh rầm rộ hơn như sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, mệt mỏi, quấy khóc, cảm giác chán ăn, đau ngực và khó thở nặng hơn, ho nhiều, đờm đặc nước tiểu ít và sẫm màu.

Trong giai đoạn này, nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể có những biến chứng nặng như suy hô hấp, áp xe phổi, viêm phổi hoại tử, xẹp phổi, tràn mủ màng phổi và có thể gây nhiễm trùng ở các cơ quan khác như viêm màng não, nhiễm trùng huyết...

Trẻ bị viêm phổi thùy cần được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, tránh gây ra biến chứng nguy hiểm. Ở những trẻ khỏe mạnh, không có bệnh nền kèm theo thì điều trị sớm và đúng phương pháp bệnh có thể giảm và khỏi sau 7 đến 10 ngày.

Đơn cử như bệnh nhi N. N. D (7tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) sốt liên tục 7 ngày kèm ho. Bệnh nhi được người nhà đưa đến phòng khám tư nhưng không giảm, sau đó được chuyển vào bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng sốt 38,5 độ C (đã uống thuốc hạ sốt trước đó 2 giờ), ho đàm, ho nhiều từng cơn, đau ngực, thở mệt.

picsart_23-12-12_20-39-21-274.jpeg
Bác sĩ thăm khám bệnh nhi N. N. D

Sau khi thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi thùy biến chứng suy hô hấp. Bệnh nhi được ra viện sau hơn 1 tuần điều trị với thở oxy, kháng sinh, điều trị triệu chứng và dinh dưỡng.

Để phòng ngừa bệnh, BS.CKI. Lê Kim Uyên khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên giữ ấm cơ thể trẻ trong mùa lạnh, thời điểm giao mùa, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, vệ sinh tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài cộng đồng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp. Bên cạnh đó, trẻ cần được tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine phòng viêm phổi như cúm, phế cầu,..Đồng thời, phải điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng để ngăn bệnh tiến triển đến vùng hô hấp dưới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng bệnh lý viêm phổi thuỳ ở trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO