Cẩn trọng chiêu lừa đảo mới: Tuyển mẫu nhí qua nhãn hàng thời trang lớn

Thanh Bình 03/04/2023 14:15

Thời gian gần đây, tràn lan những thông tin lừa đảo mượn danh các nhãn hàng thời trang lớn để tuyển mẫu nhí. Nhắm vào tâm lý của các bậc phụ huynh muốn cho con trải nghiệm làm người mẫu, các đối tượng lừa đảo sử dụng các chiêu trò tinh vi để khiến phụ huynh “sa bẫy”.

Mạo danh nhãn hàng thời trang lớn

Hiện nay, một số đối tượng lừa đảo lợi dụng tên tuổi của những nhãn hàng thời trang lớn như UNIQLO, Canifa,… dưới hình thức tuyển mẫu nhí để tiếp cận với các bậc phụ huynh có mong muốn cho con có cơ hội trải nghiệm nghề này từ sớm với các chiêu thức tinh vi.

Chỉ cần gõ từ khoá “tuyển mẫu nhí” hàng loạt các trang fanpage như “Canifa – toả sáng tương lai bé”, “Ngôi sao nhí – Model Kids 2023”, “Siêu mẫu nhí 2023”… sẽ hiện ra, với hàng chục ngàn lượt theo dõi.

Tràn lan các trang Fanpage mạo danh đăng tuyển mẫu nhí. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo thông tin các trang này đăng tải, độ tuổi đăng kí xét tuyển là các bé từ 2 tuổi đến 14 tuổi. Các quyền lợi hấp dẫn liên tục được đưa ra như: trở thành người mẫu nhí chính thức của công ty, được tài trợ về toàn bộ cho mỗi buổi chụp, được hỗ trợ lương cơ bản là 3-5 triệu/tháng. Ngoài ra, phụ huynh được hứa hẹn sẽ nhận thêm phần trăm hoa hồng theo sản phẩm quảng bá…

Số lượng các bài đăng tuyển người mẫu xuất hiện với tần suất liên tục hàng ngày. Không khó để các bậc phụ huynh sa vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng sẽ từng bước lấy lòng tin của phụ huynh bằng cách yêu cầu làm việc với các chuyên viên tư vấn thông qua ứng dụng Zalo. Sau đó được thêm vào nhóm các thành viên trên ứng dụng Telegram có dấu tích xanh.

Đã từng tham gia đăng kí cho con gái làm người mẫu nhí tại một fanpage, chị Đ.L.C. (trú tại TP HCM) cho biết, không khó để nhận ra trong nhóm thành viên đó đều là “đồng bọn” lừa đảo của tổ chức này, nhằm tăng thêm niềm tin cho những người mới.

Trang Fanpage mạo danh tuyển mẫu nhí. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Sau khi phụ huynh tham gia vào nhóm Telegram sẽ được yêu cầu tham gia lần lượt từng thử thách để đạt tiêu chuẩn xét duyệt hồ sơ ứng tuyển cho con.

Thử thách đầu tiên thường dễ thực hiện, phụ huynh chỉ cần like link sản phẩm mà các đối tượng này cung cấp, sau đó sẽ nhận được tiền tài trợ là 50.000 đồng chuyển vào tài khoản cá nhân, tuy nhiên số tiền này sẽ được giữ lại sau khi hoàn thành thử thách tiếp theo.

Các thử thách phụ huynh phải thực hiện để đăng kí cho con.

Ở nhiệm vụ thứ hai, các đối tượng yêu cầu phụ huynh thực hiện yêu cầu mua hàng và thanh toán chuyển khoản với lí do ủng hộ các sản phẩm của công ty, cùng với “món hời” sẽ được chuyển hoàn tiền lại 100% số tiền, cộng thêm 10% tiền hoa hồng. Tuy nói rằng đây không phải nhiệm vụ bắt buộc nhưng nếu không làm thì sẽ không đủ điều kiện qua vòng xét tuyển hồ sơ.

Các đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển tiền vào một số tài khoản cá nhân. Cùng lúc đó, đối tượng trong vai “chuyên viên tư vấn” của nhãn hàng liên tục nhắn tin cam kết sẽ nhận được tiền sau khi hoàn thành nhiệm vụ để làm tăng niềm tin từ phía các vị phụ huynh.

Chị Đ.L.C. cho biết, thời gian thực hiện các nhiệm vụ được các đối tượng yêu cầu phụ huynh thực hiện trong thời gian từ 5 đến 15 phút, nếu không hoàn thành sẽ bị kick khỏi nhóm để xoá chứng cứ.

Nhiều phụ huynh sập bẫy

Khi nhận thấy những dấu hiệu lừa đảo từ các đối tượng, chị C. đã trực tiếp liên hệ với bên đại diện chính thức của UNIOLO Việt Nam để xác thực. Tuy nhiên, phía nhãn hàng cho biết hoàn toàn không có nhân viên và nhóm Telegram tuyển mẫu nhí như chị C. cung cấp.

Theo xác nhận từ trang Fanpage UNIQLO Việt Nam, những thông tin các đối tượng cung cấp đều là giả mạo. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Cũng từng bị lừa với cách thức tương tự, chị T.H.G. (trú tại tỉnh Hà Nam) cho biết: “Đối tượng ưu tiên mà hình thức này nhắm đến là các mẹ bỉm sữa, có con nhỏ. Những người thích chụp ảnh, thích thời trang. Tâm lý vừa được mặc đồ đẹp, có hình đẹp, vừa có tiền, biết đâu lại nổi tiếng… nên rất dễ bị lợi dụng, lừa gạt”.

Chị G. cũng được các đối tượng tiếp cận qua hình thức chạy quảng cáo trên Facebook dưới tên một công ty thời trang và tổ chức sự kiện. Sau khi được một tài khoản nhận là nhân viên công ty nhắn tin giới thiệu, chị G. đã cẩn thận tra mã doanh nghiệp mà đối tượng cung cấp thì thấy công ty vẫn còn hoạt động. Khi đối tượng yêu cầu chị trao đổi làm việc qua ứng dụng Telegram, chị G. đã không đồng ý vì lí do bảo mật, đối tượng này lập tức tỏ thái độ bất lịch sự và văng những lời lẽ khó nghe. Thấy có dấu hiệu bất thường, chị G. đã nhanh chóng chặn tài khoản này.

Thời gian qua, liên tục nhiều phụ huynh trên cả nước cũng đã lên tiếng “kêu cứu” vì sập bẫy chiêu trò này. Có người đã mất số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Tuy được đặt dưới cách thức hoạt động không mới nhưng những chiêu trò lừa đảo này vẫn ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội gây tâm lí hoang mang cho phụ huynh. Lợi dụng lòng tham của người bị hại khi chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản mà cũng có thể kiếm ra tiền. Nạn nhân vì nhẹ dạ, chỉ thấy được cái lợi trước mắt mà dễ dàng dính bẫy lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng chiêu lừa đảo mới: Tuyển mẫu nhí qua nhãn hàng thời trang lớn