Sức khỏe

Cẩn trọng khi dùng điều hòa

BS Nguyễn Huy Hoàng (Phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) 19/05/2025 08:30

Trong không gian phòng ngủ khép kín sử dụng điều hòa, đặc biệt là các căn phòng có diện tích khoảng 15 - 20m² và không có thông gió, lượng khí CO2 do người ngủ thở ra sẽ tích tụ nhanh chóng theo thời gian.

Theo kết quả đo thực nghiệm của Trường Đại học Bách khoa Đan Mạch (DTU), nồng độ CO2 trong phòng kín có thể tăng từ mức nền khoảng 500ppm lên hơn 1.500ppm chỉ sau 4 - 6 giờ ngủ, thậm chí vượt ngưỡng 2.000 ppm nếu không có biện pháp thông khí. Điều này phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay, khi thói quen đóng kín cửa để bật điều hòa suốt đêm là lựa chọn nhằm tiết kiệm điện và tránh tiếng ồn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nồng độ CO2 trong không khí trong nhà nên duy trì dưới 600 ppm để đảm bảo chất lượng sống. Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) và Hội Kỹ sư Điều hòa và Sưởi ấm Hoa Kỳ (ASHRAE) đều đặt ngưỡng cảnh báo ở mức 1.000ppm. Khi nồng độ CO2 vượt quá mức này, không khí trở nên ngột ngạt, oxy trong phòng bị giảm nhẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hô hấp và hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Một vài nghiên cứu khác trên thế giới cũng ghi nhận rằng, trong khoảng 1.000 - 2.500ppm CO2, nhiều người có biểu hiện mệt mỏi, khó tập trung, ngủ không sâu giấc, và tỉnh dậy với cảm giác thiếu năng lượng. Nếu nồng độ vượt trên 2.000ppm, các tác động có thể rõ rệt hơn như nhức đầu, buồn nôn nhẹ, hoặc giảm khả năng ra quyết định. Các triệu chứng này thường bị hiểu nhầm là do căng thẳng hoặc thiếu ngủ thông thường, trong khi nguyên nhân có thể đến từ chất lượng không khí trong phòng ngủ.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi đa số điều hòa dân dụng hiện nay hoạt động theo cơ chế tuần hoàn kín, tức là làm lạnh và tái sử dụng không khí trong phòng mà không trao đổi với không khí bên ngoài. Dù một số máy có chức năng lọc bụi hoặc khử mùi, hầu hết không được thiết kế để loại bỏ khí CO2. Như vậy, việc dùng điều hòa mà không kết hợp thông khí khiến khí carbonic ngày càng tích tụ, đặc biệt trong các phòng có hai người trở lên cùng ngủ.

Ảnh hưởng kéo dài của việc ngủ trong môi trường CO2 cao có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ mãn tính, suy giảm miễn dịch nhẹ và giảm hiệu suất làm việc vào ban ngày. Những người dễ bị tác động bao gồm trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc bệnh hô hấp hoặc tim mạch. Trong khi đó, các dấu hiệu thường không rõ ràng và có xu hướng bị bỏ qua.

Để giảm thiểu rủi ro, một số biện pháp kỹ thuật đơn giản có thể áp dụng như: mở cửa sổ và cửa chính ít phút trước khi ngủ để trao đổi không khí; sử dụng quạt hút gắn tường hoặc quạt âm trần để hỗ trợ lưu thông khí; lựa chọn điều hòa có chức năng cấp khí tươi nếu điều kiện cho phép. Ngoài ra, việc lắp đặt cảm biến CO2 giúp kiểm soát chất lượng không khí theo thời gian thực, đồng thời cảnh báo khi nồng độ vượt ngưỡng an toàn. Một số loại cây như lưỡi hổ, lan ý hoặc trầu bà cũng có thể hỗ trợ cải thiện CO2 nếu bố trí hợp lý, không quá dày đặc và tránh gây ẩm mốc.

Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng cao, không gian sống khép kín trở nên phổ biến, việc đảm bảo chất lượng không khí trong phòng ngủ – nơi con người dành tới 1/3 thời gian mỗi ngày - cần được xem là ưu tiên sức khỏe. Khí CO2 không gây cảm giác ngột ngạt như bụi hay mùi, nhưng ảnh hưởng của nó là có thật, tích lũy và khó phát hiện nếu không được theo dõi cẩn thận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng khi dùng điều hòa