Cẩn trọng khi ngủ trong ô tô tránh nóng

THANH MAI 11/06/2023 08:02

Mới đây, tại Hải Phòng đã xảy ra sự việc thương tâm khiến 1 người tử vong, 2 người hôn mê sâu phải nhập viện điều trị do ngạt khí khi ngủ trong ô tô để tránh nóng do mất điện.

Sức khỏe của hai cha con ở Hải Phòng đã ổn định. Ảnh: BSCC.

Nguy hiểm được báo trước

Công an huyện An Lão (Hải Phòng) cho biết, ngày 1/6, 3 người trong một gia đình ở thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) đã bị ngạt trong xe ô tô, trong đó 1 người tử vong. Được biết, cùng ngày, do trong khu nhà mất điện nên ông P.V.T (SN 1974) và hai con gái (10 tuổi và 5 tuổi) đã vào xe ô tô trong gara để ngủ tránh nóng. Khoảng hơn 3h sáng, người vợ mới phát hiện chồng và hai con bất tỉnh trong xe nên đã mở cửa và gọi người đưa đi cấp cứu. Đáng tiếc, con gái đầu đã tử vong do ngạt khí. Người chồng và con gái thứ hôn mê đã được cấp cứu tại Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng sau đó chuyển tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng suy hô hấp, trụy mạch phải thở máy, dùng thuốc vận mạch.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc đáng tiếc tương tự. Trước đó, ngày 24/1/2019, trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Thanh Hà, Thanh Liêm (Hà Nam), người dân đã phát hiện một lái xe taxi (trú tại xã Liêm Túc, Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) chết ngạt trong ôtô khi đang đỗ bên đường. Tại hiện trường, nạn nhân chết trong tư thế ngồi ở ghế lái, người hơi ngả về phía sau xe, hai tay gối đầu, cửa xe vẫn đóng kín, mọi đồ đạc trong xe vẫn còn nguyên vẹn.

Rồi năm 2018, một người đàn ông 34 tuổi cũng ở Hải Phòng sau khi về nhà muộn đã đánh xe vào gara gia đình rồi đóng cửa xe bật điều hòa ngủ cũng đã dẫn đến tử vong thương tâm do ngạt khí. Trước đó, vào năm 2008, cũng đã có 2 công chức Hà Nội tử vong ngay trên đường Lê Trọng Tấn với lý do tương tự.

Điểm chung của các vụ tai nạn thương tâm kể trên là việc tài xế đóng cửa kính khi ngủ trên xe. Việc ngủ trong xe ô tô giống như ngủ trong một căn phòng hẹp và kín, việc kéo kín kính, bật máy lạnh để ngủ tiềm ẩn nguy cơ tử vong mà bất kỳ một ai có ý định ngủ trên xe ôtô cần phải biết, đặc biệt trong tình hình hiện nay nắng nóng kéo dài.

Khí CO gây ngộ độc rất nhanh

Nhận định nguyên nhân dẫn đến nguy cơ suy hô hấp, tử vong ở những người ngủ trên xe ô tô tránh nóng, TS.BS Lê Lan Phương - Phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nếu bật điều hòa xe ô tô để ngủ trong khi đóng kín cửa xe sẽ làm sản sinh một lượng lớn khí CO và CO2 ra môi trường xung quanh. Khí này tiếp tục được điều hòa hút vào trong khiến những người ngủ bên trong xe bị ngạt khí. Nạn nhân sẽ mất ý thức, hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Một nguy cơ nữa cũng có thể xảy ra là nếu đóng kín cửa xe ô tô trong khi ô tô dừng quá lâu, đặc biệt khi trời nóng sẽ có thể làm xe hết nhiên liệu dẫn đến dừng hoạt động, đặc biệt khi bật chế độ gió trong. Lúc đó khí trong xe sẽ không trao đổi được với bên ngoài, đồng thời nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên khiến người trong xe thiếu dưỡng khí và sốc nhiệt, tử vong nếu không được hỗ trợ kịp thời.

Còn khi lái xe đang di chuyển thì lượng không khí luôn thay đổi, khí CO không có nồng độ cao xung quanh xe và khó len lỏi vào trong buồng lái. Việc này sẽ giúp cho những người ngồi trong ô tô tránh được nguy cơ bị ngộ độc. Cùng với đó, khi xe chạy ta có thể lấy gió ngoài giúp cung cấp thêm oxy vào trong khoang xe nên thường không xảy ra tình trạng thiếu khí hay ngạt khí.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, khí CO sinh ra trong môi trường nhiên liệu có Cacbon bị đốt cháy không hoàn toàn. Có thể là trong quá trình đốt củi, than sưởi ấm, đốt xăng dầu khi bật các loại động cơ để chạy máy sưởi hoặc điều hòa, trong các đám cháy... Cũng theo BS Nguyên, ở Việt Nam, những tai nạn ngộ độc khí CO trong quá trình sinh hoạt không phải mới lạ. Ngộ độc khí CO đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Tuy nhiên vẫn nhiều người chủ quan, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng và mất điện luân phiên liên tiếp như hiện nay.

TS Nguyên cho biết, khí CO không màu, không mùi và hấp thu rất nhanh vào cơ thể, gây ngộ độc nhanh. Nó ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy của máu, ngăn cản sự hô hấp của từng tế bào, đặc biệt các tế bào có chuyển hóa hô hấp mạnh như não, tim và các cơ quan khác. Do quá trình ngộ độc diễn ra rất nhanh nên người bị ngộ độc không kịp phản ứng thì đã bất tỉnh ngay. Ngộ độc nhẹ thoáng qua có thể gây đau đầu, khó thở nhưng khí CO có nồng độ cao thì sẽ khiến người ngộ độc hôn mê, co giật rồi tử vong nhanh chóng. Con người không có cơ chế phòng vệ trước ngộ độc khí CO ở nồng độ cao.

Kịp thời sơ cứu bệnh nhân ngộ độc khí CO

Theo TS.BS Lê Lan Phương, trường hợp phát hiện người hôn mê trong xe ô tô nghi ngờ do ngộ độc khí CO, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khu vực thoáng khí, hỗ trợ hô hấp/hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân ngừng thở và chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Khi thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện để cấp cứu, hạn chế di chứng.

Trong trường hợp buộc phải nổ máy, ngủ trong xe ô tô, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên lựa chọn vị trí đỗ xe thông thoáng, để chế độ lấy gió ngoài dù ngồi hay ngủ. Không được đóng kín cửa xe mà luôn phải để hé một khoảng để không khí có cơ hội lưu thông. Trường hợp cần nghỉ ngơi, người dân cần đặt báo thức trong một khoảng thời gian ngắn (30 - 45 phút) để kiểm soát tình huống hoặc ra ngoài để hít thở không khí tránh trường hợp thiếu dưỡng khí. Tránh chỗ đỗ xe để ngủ ở chỗ chật hẹp, bí khí vì trong môi trường hẹp nếu có mở cửa xe vẫn có thể thiếu oxy. Đặc biệt, tuyệt đối tránh nổ máy, mở điều hòa trong gara nằm ngủ, bởi lẽ, gara ô tô cũng là một môi trường chật hẹp, nơi hằng ngày xe cộ thải ra khí độc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng khi ngủ trong ô tô tránh nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO