Ngày 19/12, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Để chuẩn bị tổ chức phiên giải trình, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã tổng hợp, nghiên cứu tài liệu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức khảo sát tại 4 địa phương, gồm: Hà Nội; TP Hồ Chí Minh; Hải Phòng và tỉnh Đồng Nai.
Tại phiên giải trình, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hệ thống văn bản pháp quy về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục được hoàn thiện, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải rắn sinh hoạt thống nhất theo định hướng thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, thu hồi năng lượng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Qua đó đạt được nhiều kết quả bước đầu khá tích cực.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khó khăn trong thực hiện quy trình, thủ tục xin cấp phép đầu tư nhà máy xử lý rác thải. Chưa áp dụng đồng bộ chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa xử lý rác thải ở các địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ rác thải được xử lý bằng chôn lấp trực tiếp còn cao (70%), tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được bộ chủ quản, các bộ ngành phối hợp xây dựng, hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ. Theo ông Hà, dự kiến trong tháng 12 này sẽ được ban hành để triển khai thực hiện, bảo đảm chuẩn bị về tài chính, năng lực quản trị, mô hình, công nghệ, tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện trên cả nước vào năm 2025.
Về giá thu dịch vụ xử lý rác, ông Hà cho biết, hiện chỉ đáp ứng 1/10 chi phí xử lý, trong khi để đạt các yêu cầu bảo vệ môi trường thì phải đầu tư công nghệ có chi phí lớn, khiến địa phương hiện khá lúng túng. Do đó trong năm 2023 sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Tài nguyên và môi trường. Tiếp tục ban hành danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về rác thải, khí thải. Triển khai hướng dẫn mô hình thu gom, phân loại, đưa các loại chất thải rắn đi tái chế.
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là vấn đề luôn được đông đảo cử tri, người dân quan tâm, đặc biệt là thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Do đó, xử lý rác thải nói chung, rác thải rắn sinh hoạt nói riêng cần được đối xử như một ngành công nghiệp, phải vận hành theo cơ chế thị trường.
Để triển khai hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt thời gian tới, ông Hải lưu ý, nghiên cứu các mô hình điển hình tại tỉnh Đồng Nai, huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh để triển khai áp dụng trên cả nước. Chủ động cập nhật các công nghệ tiên tiến của thế giới. Chính quyền các tỉnh, thành phố cần quan tâm ứng dụng công nghệ xử lý rác thải mới, thân thiện với môi trường.