Xã hội

Căng mình phòng, chống cháy rừng

Thanh Tiến 17/04/2024 08:16

Những ngày qua, nắng nóng gay gắt đã khiến nhiều khu rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long đặt trong tình trạng cảnh báo cháy cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Hiện ngành chức năng các địa phương trong vùng đang căng mình phòng cháy rừng; đưa ra những khuyến cáo đặc biệt, kể cả việc quy định trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra cháy rừng...

cover.jpg
Lực lượng chức năng chữa cháy tại khu vực rừng tràm xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, ngày 13/4. Ảnh: Thanh Tiến.

Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao.

Tại các tỉnh khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên, nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).

anhtren(1).jpg
Hiện trường vụ cháy 40ha rừng ở Cà Mau sau khi đám cháy được khống chế. Ảnh: Thanh Tiến.

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng

Khoảng 12h30 ngày 10/4, một phần khu rừng tràm sản xuất 2-4 năm tuổi tại Nông trường 402 (thuộc Cục Hậu Cần, Quân khu 9) trên địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị bắt lửa và lan rộng. Do vụ cháy xảy ra vào cao điểm mùa khô, nhiều tuyến kênh mương trong khu vực này cạn nước nên công việc dập lửa gặp rất nhiều khó khăn.

Khoảng 600 người gồm bộ đội, công an, dân quân và người dân cùng nhiều phương tiện chữa cháy được huy động xuyên đêm 11/4 để khống chế ngọn lửa. Vụ cháy khiến gần 40 ha rừng tràm 3 năm tuổi bị cháy hoàn toàn, khó có khả năng tái sinh. Đây là vụ cháy lớn nhất trên địa bàn trong thời gian 10 năm trở lại đây.

Những ngày này nắng nóng vẫn gay gắt. Khu rừng tràm vừa trải qua đợt cháy càng trở nên khô khốc, trơ trụi. Hiện Cà Mau vẫn có hơn 45.000ha rừng dễ xảy ra cháy trong mùa khô 2024. Đến nay, đã có hơn 36.000ha trong tình trạng khô hạn nặng, trong đó cảnh báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) gần 15.000ha, cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) hơn 14.500ha.

Còn tại Kiên Giang, từ đầu mùa khô đến nay xảy ra 14 vụ cháy rừng với khoảng 19,58 ha. Gần đây nhất, trưa ngày 13/4, tại khu vực ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành đã xảy ra vụ cháy rừng tràm do người dân quản lý.

Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy quân sự xã Phú Mỹ đã điều động các cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng lực lượng công an và người dân tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, thực bì khô nhiều, lửa bốc cháy nhanh nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều giờ tích cực chữa cháy đến 14h30 cùng ngày, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 1,2ha rừng.

Trong cùng khoảng thời gian trên, tại khu vực tổ 6, ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành cũng bất ngờ xuất hiện một vụ cháy rừng tạp của người dân. Thiệt hại ước tính khoảng 0,5ha.

Tại TP Phú Quốc, ngày 11/4 cũng xảy ra cháy rừng khiến hơn 2.000m2 rừng phòng hộ tại Tiểu khu 79 (rừng phòng hộ Phú Quốc) bị cháy rụi. Đây là vụ cháy rừng, cây tạp thứ 7 tại Phú Quốc tính từ đầu mùa khô 2024 đến nay.

Các vụ cháy rừng đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Kiên Giang, ngoài rừng ở Phú Quốc, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có hơn 10.300ha rừng ở huyện Hòn Đất cũng đang ở mức báo động cháy cấp cực kỳ nguy hiểm, trong đó rừng phòng hộ hơn 7.000ha, còn lại rừng sản xuất.

Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong những địa bàn có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với hơn 36.000 ha. Cấp dự báo cháy rừng của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc đã chuyển sang mức dự báo cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc cho biết, ngay từ đầu mùa khô đã triển khai các phương án phòng chống cháy rừng.

“Cùng với việc bố trí về nhân lực, chúng tôi đã triển khai các chòi canh lửa để túc trực, kịp thời phát hiện khi có cháy xảy ra; tổ chức cày ủi, cày trục cỏ, tạo đường băng cản lửa để cản lửa phòng chống cháy lan. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia cũng đã bố trí các giếng khơi, chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ theo phương châm 4 tại chỗ cũng như theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt” - ông Tiệp cho biết.

Tại khu vực rừng núi thuộc TP Châu Đốc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có rất nhiều chùa, miếu thờ len lỏi dọc theo các sườn núi. Thời điểm này đang vào mùa du lịch hành hương nên du khách cúng lễ thường đốt giấy vàng mã, nhang đèn nên tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất cao

Hạt Kiểm lâm liên các huyện Tịnh Biên, Châu Đốc cho biết, cấp cảnh báo cháy rừng hiện nay là cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), đơn vị đã và đang tiếp tục củng cố các lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng nhằm chủ động phản ứng trong mọi tình huống, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, bảo vệ hiệu quả tài nguyên rừng.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy. Dù các đám cháy bị dập tắt kịp thời, không để xảy ra cháy lan diện rộng làm ảnh hưởng đến diện tích rừng của địa phương, nhưng với thời tiết nắng nóng như hiện nay các nguy cơ tiềm ẩn chủ yếu gây ra cháy rừng khu vực này rất cao.

anhduoi.jpg
Vụ cháy vào ngày 10/4/2024, tại Đội quản lý đất quốc phòng (Nông trường 402 cũ). Ảnh: Thanh Tiến.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy và chữa cháy rừng.

Theo đó yêu cầu UBND các huyện, thành phố có rừng và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở NNPTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh. Yêu cầu các đơn vị chủ rừng xác định cụ thể từng khu vực, diện tích rừng trọng điểm có nguy có xảy ra cháy rừng cao, thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) như bơm nước bổ sung vào rừng, làm giảm vật liệu cháy, tuần tra kiểm soát chặt chẽ người vào rừng, quản lý việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng, xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực tập tình huống chữa cháy rừng. Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu về triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cháy rừng.

“Trong triển khai thực hiện thiếu quyết liệt, không chặt chẽ, để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, sử dụng đất rừng sai mục đích, cũng như để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng,... thì người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của pháp luật” - UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Lê Văn Hải cho biết, thời điểm này, các chủ rừng, địa phương cùng lực lượng chức năng không được lơ là, chủ quan; phải tập trung cao độ, siết chặt việc chuẩn bị các phương án PCCCR. Bố trí lực lượng thường xuyên trực canh gác, ngăn chặn các đối tượng có nguy cơ để xảy ra cháy cao vào rừng bắt cá, ăn ong; tuyên truyền đến người dân sống khu vực ven rừng không được đốt đồng, đốt bờ vào thời điểm này.

Thường xuyên kiểm tra, vận hành các thiết bị, dụng cụ PCCCR. Nghiêm túc thực hiện tốt biện pháp PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) và “5 sẵn sàng” (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy và thông tin trong công tác PCCCR).

Nếu chủ rừng, chính quyền địa phương, lực lượng có liên quan không thực hiện đúng các biện pháp để xảy ra cháy rừng, người đứng đầu khu vực rừng quản lý, cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật”.

Cục Kiểm lâm Việt Nam đã phát đi cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đáng chú ý là các địa phương thuộc diện cảnh báo cấp độ V, cấp độ cao nhất là các tỉnh ĐBSCL gồm: An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang. Các khu vực này đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nhiệt độ cao 35 - 36 độ C.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng mình phòng, chống cháy rừng