Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ: Tìm cách hài hòa các lợi ích

ĐOÀN XÁ 20/10/2023 07:54

Với vốn đầu tư lên đến 5,4 tỷ USD (tương đương hơn 120.000 tỷ đồng), Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến sẽ đáp ứng hài hoà lợi ích kinh tế, môi trường và cả tác động với cảng biển hiện hữu xung quanh.

Sáng 19/10, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hội nghị có sự tham gia của nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đã phối hợp với các cơ quan xây dựng đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Do đây là một vùng “nhạy cảm” nên cần cân nhắc kỹ lưỡng ngay từ quá trình nghiên cứu. Với mong muốn này, ông Mãi đặt ra 4 vấn đề, thứ nhất, qua quá trình chuẩn bị có một số ý kiến cần làm rõ xung đột về phát triển kinh tế và các cảng biển hiện hữu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra vấn đề này, với câu hỏi chính là, dự án ảnh hưởng gì tới Cảng Cái Mép, hệ thống cảng khác trong khu vực hay không? Thứ hai, ảnh hưởng của cảng với quy hoạch phát triển của huyện Cần Giờ, TPHCM và của vùng. Khi đặt vấn đề nghiên cứu cảng cần tính toán đến đường bộ và có ảnh hưởng đến vùng sinh quyển Cần Giờ hay không?

Ngay từ khi nghiên cứu, thành phố cũng đặt vấn đề phương án kết nối đường bộ để tiếp tục nghiên cứu. Trường hợp nếu làm thì sẽ làm sau năm 2030, còn trước đó chủ yếu liên kết qua đường biển. Thứ ba, tác động đến khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ. Việc xây dựng cảng chắc chắn có ảnh hưởng ít nhiều tới khu dự trữ sinh quyển ngập mặn nhưng việc đánh đổi này là chính đáng và mang lại lợi ích lớn, với tác động môi trường nhỏ nhất. Cuối cùng là cần đánh giá hiệu quả kinh tế, các giai đoạn phát triển, tác động của dự án đến kinh tế - xã hội không chỉ của TPHCM mà của cả vùng.

Bày tỏ quan điểm của mình, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn tài chính Quốc gia, cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ dự án bởi hiện nay Việt Nam chưa có cảng biển trung chuyển quốc tế nào, nhiều cuộc họp bàn đi bàn lại từ Cam Ranh đến khắp nơi nhưng chưa nơi nào làm được. “Thực hiện cảng tại huyện Cần Giờ, TPHCM sẽ bổ sung cho cảng Cái Mép và nâng tầm thành trung tâm cảng biển quốc gia, phát triển bổ trợ nhau chứ không cạnh tranh nhau, vì lợi ích quốc gia chứ không vì lợi ích TPHCM. Hiện nay, pháp lý dự án đầy đủ nhưng Chính phủ yêu cầu làm rõ một số ý, như liên quan tác động đến rừng. Thực tế không có dự án nào không gây tác động nhưng phải đặt cái nhìn tổng thể và lựa chọn những lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn cho quốc gia” - ông Lịch cho hay.

Theo đề án này, sau khi hoàn thành, cảng đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời giúp TPHCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển. Trong tương lai không xa, nơi đây đem về nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân, hoàn hiện hạ tầng đường sá, thu hút đầu tư… Ngoài ra, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ sử dụng điện để trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở địa bàn xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) có mức đầu tư dự kiến khoảng 5,4 tỷ USD. Vị trí xây dựng cảng là khu vực cù lao Con Chó nằm ở cửa sông Cái Mép, thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ. Nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy. Cảng dự kiến được xây dựng theo 7 giai đoạn, với giai đoạn 1 bắt đầu năm 2024, đưa vào khai thác năm 2027 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ: Tìm cách hài hòa các lợi ích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO