Công nghệ

Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo cuối năm

Kim Huệ 21/01/2025 13:00

Cuối năm là thời điểm nhu cầu giao dịch, mua sắm và du lịch tăng cao. Đây cũng là lúc các đối tượng lừa đảo hoạt động mạnh. Từ lừa đảo chuyển khoản ngân hàng, đến quảng cáo tour du lịch giá rẻ, đổi tiền mới… Mọi hình thức đều được sử dụng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Không chủ quan với mã QR

Trong những ngày qua, một số tài khoản trên mạng xã hội lan truyền thông tin "quét mã QR tự nhiên tài khoản bay hết tiền" khiến nhiều người xôn xao. Sau 1 ngày xuất hiện trên Facebook, video có hơn 1,6 triệu lượt xem, 3.500 lượt thích cùng hơn 23.000 lượt chia sẻ. Ở phần bình luận, nhiều người cho biết cảm thấy hoang mang về thông tin này. Dù vậy, một số người nhanh chóng nhận thấy điểm bất thường từ nội dung video, và những gì video trên chia sẻ không đúng sự thật.

14anhtren.jpg
Kẻ gian lừa đảo bằng cách sử dụng công nghệ cao.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Công nghệ (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia) cho hay, quét mã QR hay sao chép số tài khoản có thể khiến điện thoại bị treo, tài khoản bị mất tiền... là tin giả. Theo ông Sơn, mã QR là một cách thức để “nén” một hoặc nhiều nội dung dữ liệu về một dạng ảnh giúp cho máy móc có cảm biến hình ảnh (như máy quét, camera điện thoại) có thể ánh xạ ngược từ ảnh sang nội dung ban đầu. “Bản chất mã QR không phải mã độc, nhưng các đối tượng đã sử dụng nó để trung gian dẫn người dùng đến những nội dung lừa đảo. Khi người dùng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP hay thực hiện giao dịch sau khi quét mã, họ mới trở thành nạn nhân” - ông Sơn nhấn mạnh.

Các thủ đoạn phổ biến bao gồm việc gửi mã QR qua email, tin nhắn, hoặc dán mã giả tại các quầy thanh toán để lừa khách hàng chuyển tiền nhầm vào tài khoản của đối tượng. Ngoài ra, các ứng dụng giả mạo mang tên cơ quan nhà nước như VNeID, Tổng cục Thuế, hoặc Bộ Công an cũng được phát tán, chứa mã độc nhằm kiểm soát thiết bị và tài khoản ngân hàng của người dùng.

Tại nhiều cửa hàng, mã QR thường được in và đóng khung đặt trên quầy thanh toán hoặc dán bản sao tại khu vực xung quanh cửa hàng. Kẻ gian lợi dụng sơ hở để dán đè hoặc đặt biển có mã QR của tài khoản giả mạo tại điểm thanh toán để lừa đảo khách hàng và chiếm đoạt tiền chuyển khoản.

"Kẻ gian còn tạo mã QR giả mạo lên hóa đơn, tờ rơi giả mạo nhà hàng, quán ăn, shop online uy tín, quen thuộc… nhằm dụ dỗ, lấy lòng tin người dùng thực hiện quét mã thanh toán. Thậm chí còn gửi tin nhắn hoặc hóa đơn giả mạo đã chuyển khoản thành công và gửi thông tin đến chủ cửa hàng, giống như tin nhắn thật từ ngân hàng; hóa đơn cũng được sửa lại thông tin khiến chủ cửa hàng lầm tưởng giao dịch đã hoàn tất và giao hàng cho kẻ lừa đảo" - đại diện Ngân hàng LPBank nêu thêm các thủ đoạn.

Đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cảnh báo, trước khi thực hiện quét mã QR để chuyển tiền, cần thận trọng kiểm tra lại thông tin số tài khoản ngân hàng, tên chủ tài khoản tương ứng với thông tin của chủ cửa hàng. Cảnh giác với những mã QR được chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc thông qua mạng xã hội, email… Ngoài ra, nên chủ động thực hiện khóa thẻ, khóa tài khoản thanh toán khẩn cấp khi nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu lừa đảo.

Cảnh giác với tour “siêu hời”

Ngày 20/1, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi cảnh báo về các trường hợp lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội gần đây. Theo đó, các đối tượng tạo lập hàng loạt các hội nhóm, Fanpage trên các trang mạng xã hội như Facebook, đăng tải thông tin về các tour du lịch Tết với giá “siêu khuyến mãi”, “siêu hời”... Những bài viết này thường kèm theo hình ảnh bắt mắt, lịch trình hấp dẫn và cam kết uy tín - chất lượng.

Để tạo lòng tin, các đối tượng sử dụng những bình luận giả mạo từ tài khoản ảo khen ngợi dịch vụ hoặc khoe đã tham gia và hài lòng. Kèm theo đó, các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khi giả mạo danh nghĩa các công ty du lịch uy tín hoặc lập ra những công ty “ma” không có thật. Chúng sử dụng mạng xã hội, tin nhắn hoặc các cuộc gọi không rõ nguồn gốc để đăng tải và chào bán các tour du lịch Tết với mức giá rẻ bất thường. Những chiêu trò này thường đi kèm với yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí hoặc đặt cọc một khoản tiền lớn trước khi cung cấp dịch vụ, nhưng không kèm theo hợp đồng rõ ràng hay thông tin minh bạch về đơn vị tổ chức.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước các bài đăng quảng cáo từ những tài khoản không rõ danh tính về các tour du lịch giá siêu rẻ so với thị trường; thực hiện xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai; không truy cập vào những đường dẫn lạ; không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Trên các mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài viết, clip quảng cáo rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, ví dụ như 1 triệu đồng mua được 10 triệu đồng. Thậm chí, có tài khoản rao bán 1 triệu đồng đổi được 14 triệu đồng mà không phải đặt cọc trước và được kiểm tra “hàng”. Để phòng tránh, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện giao dịch đổi tiền phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán; không tham gia vào giao dịch tiền tệ không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc qua các nền tảng không chính thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo cuối năm