Tình trạng tiền trong tài khoản khách hàng bỗng dưng “bốc hơi”, tiền gửi tiết kiệm cũng bị mất không phải là hiếm. Vậy việc xử lý của người dân trong những tình huống tiền bị biến mất khỏi tài khoản như thế nào, cũng như cách ứng xử của ngân hàng sau khi xảy ra sự cố ra sao, đó là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.
Thời gian gần đây, khách hàng của nhiều ngân hàng đồng loạt lên tiếng vì tiền bất ngờ bị “bốc hơi” trong tài khoản. Hầu hết các vụ mất tiền trong tài khoản đều liên quan đến thẻ tín dụng như MasterCard, Visa… vì loại thẻ này dễ bị lộ thông tin, dễ bị tấn công tài khoản hơn loại thẻ ghi nợ, nhất là thẻ ghi nợ nội địa.
Không ít trường hợp tiền tỷ... biến mất
Theo khẳng định của khách hàng, khi phát hiện mất tiền trong tài khoản, khách hàng sẽ liên lạc với ngân hàng và chờ ngân hàng tra soát. Còn phía ngân hàng cũng nói, nếu có sự cố hầu hết ngân hàng sẽ lập tức trấn an khách hàng, sau đó sẽ điều tra rất nhanh ra nguyên nhân, rồi mới xử lý tiếp. Đó là mất tiền trong tài khoản, vậy mất tiền gửi tiết kiệm thì sao?
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc một tài khoản tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) bị "bốc hơi" hơn 58 tỷ đồng. Cụ thể, bà V.T.K.O. (trú tại Hà Nội) cho hay, tháng 3/2021, bà mở tài khoản tại MSB. Từ ngày 30/3/2021, bà O. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản trên, mỗi lần chuyển tiền đều nhận được Giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản. Trên Giấy xác nhận đều có chữ ký của những người có thẩm quyền là các Giám đốc Trung tâm Khách hàng cá nhân, hoặc Giám đốc chi nhánh, ký và đóng dấu đỏ của Ngân hàng MSB.
Sau nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản và một lần rút gốc, số dư tài khoản của bà O. đến ngày 5/10/2023 là 27,7 tỷ đồng, theo xác nhận của ngân hàng. Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, bà O. yêu cầu sao kê tài khoản từ khi mở thì phát hiện tài khoản chỉ còn số dư 46.328 đồng.
Trên bảng sao kê tài khoản thể hiện rất nhiều giao dịch chuyển, rút tiền không phải do bà O. yêu cầu/thực hiện. Ngoài ra, số dư trên sao kê không đúng với số dư MSB thông báo trên các Giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản hoặc email do MSB cung cấp/gửi cho bà O. tại thời điểm tương ứng. Trước đó, bà N.T.L cũng phản ánh đến báo chí về việc số tiền hơn 58 tỷ đồng gửi tại MSB đã "bốc hơi" chỉ còn chưa đến 100.000 đồng.
Chiều 28/3 vừa qua, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý 1. Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin về việc khách hàng mất tiền tại MSB.
Theo ông Tùng, ngày 10/10/2023, cơ quan an ninh điều tra đã tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên là Bùi Thị Hoài Anh, sinh năm 1984, là Giám đốc chi nhánh Ngân hàng MSB Thanh Xuân có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt 165 tỷ đồng. Ngày 18/10/2023, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Bùi Thị Hoài Anh, qua đó xác định 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan công an đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả cho bị hại.
Trước đó, ở Cam Ranh, Khánh Hoà có trường hợp bà Hồ Thị Thùy Dương gửi đơn đến Cục Cảnh sát hình sự và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu kêu cứu vì 46,9 tỷ đồng trong tài khoản tại phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh biến mất.
Sau xác minh của cơ quan chức năng, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã bị khởi tố về tội “tham ô tài sản”) cùng các cấp dưới đã chiếm đoạt 46,9 tỷ đồng từ tài khoản của bà Hồ Thị Thùy Dương.
Nhiều khách hàng có tiền gửi tiết kiệm sau khi tiếp nhận thông tin liên tiếp mất tiền trong tài khoản cảm thấy bất an, song phản ứng đầu tiên mà nhiều khách hàng trao đổi là phải làm việc với ngân hàng và liên hệ với cơ quan cảnh sát để trình bày sự việc.
Chị Nguyễn Tú Anh (ngõ Quỳnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói, chị cũng đang có khoản tiền gửi tiết kiệm, khi đọc báo có biết những trường hợp tiền gửi tiết kiệm bỗng dưng không cánh mà bay đưa ra nhận xét, khi bị mất tiền thì phải làm việc ngay với ngân hàng để làm rõ đúng sai. Khách hàng đã gửi tiết kiệm là phải được đảm bảo quyền lợi.
Ai phải có trách nhiệm trước rủi ro?
Giới chuyên gia cho rằng, khách hàng nếu rơi vào tình huống mất tiền, trước tiên cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu giao dịch với ngân hàng và tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để tiến hành thủ tục mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Theo Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty Luật TAT Law firm, vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng đã xảy ra thường có điểm chung là khách hàng tin tưởng cán bộ ngân hàng, giao dịch với nhân viên ngân hàng tại phòng giao dịch/chi nhánh ngân hàng, nhưng sau đó đã bị các đối tượng này dùng các thủ đoạn để rút và chiếm đoạt tiền trong tài khoản tiết kiệm.
Vụ việc nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng là trách nhiệm hình sự của cá nhân cán bộ ngân hàng phải chịu với Nhà nước. Quan hệ này độc lập và nằm ngoài quan hệ giữa ngân hàng và khách gửi tiền.
Vị này nói rằng, việc gửi tiền vào ngân hàng, tổ chức tín dụng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Theo đó, sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro đối với nó.
Người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận.
Còn luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, nếu có tổn thất, thiệt hại xảy ra mà không phải do lỗi của khách hàng thì chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên phải là ngân hàng cho dù là lỗi vô ý hay có chủ ý của nhân viên ngân hàng, hay kẻ gian ngoài ngân hàng.
“Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”. Do đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng khoản tiền bị thất thoát. Khách hàng cần thu thập tài liệu, phối hợp với ngân hàng để giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng” - luật sư Hà cho biết và nói thêm, nếu cán bộ ngân hàng có hành vi sai phạm làm thất thoát tiền, thường là những hành vi có dấu hiệu của tội “trộm cắp tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “tham ô tài sản”, “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” thì cán bộ ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm với ngân hàng.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, luật sư Hà khuyến cáo, khi gặp rủi ro mất tiền gửi tại ngân hàng, khách hàng cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ hồ sơ bằng chứng, tài liệu giao dịch với ngân hàng. Sau đó, khách hàng cần liên hệ với ngân hàng nơi mình gửi tiền, thông báo về sự cố và cung cấp đầy đủ thông tin giao dịch để ngân hàng xác minh tình hình.
Trong quá trình đàm phán, thỏa thuận với ngân hàng, nếu hai bên không thể đạt được tiếng nói chung, khách hàng có thể khởi kiện ngân hàng đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu ngân hàng hoàn trả lại số tiền bị mất.
Đồng thời, khách hàng cũng nên tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để nhận tư vấn và tiến hành mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, trong trường hợp phải làm việc với các cơ quan chức năng hay xảy ra các tranh chấp kiện tụng, có luật sư tham gia sẽ phần nào giúp quá trình xử lý vụ việc diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Còn các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đem lại niềm tin cho người tiêu dùng, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan điều tra thì cơ quan quản lý - ở đây là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cần có những hành động cụ thể và quyết liệt hơn. Bởi trong những trường hợp khách hàng mất tiền, mọi thông tin giao dịch đều qua hệ thống ngân hàng với bên cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng không thể tra soát được. NHNN phải đứng ra phân xử, vì về lý, chỉ có sự quản lý của NHNN về an toàn ra sao, thực hiện nguyên tắc luật lệ bảo mật thông tin thế nào thì mới có đánh giá chính xác. Nhưng đôi khi, nhìn nhận của chính NHNN cũng không mô tả rõ là đúng và sai như thế nào, nên vẫn không xóa tan được băn khoăn với người gửi tiền.
NHỮNG LƯU Ý KHI GỬI TIỀN TIẾT KIỆM
Trước tiên phải lựa chọn ngân hàng uy tín, đáp ứng các yêu cầu về lãi suất, dịch vụ và giao dịch, bảo mật. Có thể chọn gửi trực tiếp tại quầy hoặc gửi tiết kiệm online. Nếu gửi tiền online thì nên kiểm tra số dư tài khoản định kỳ để tránh rủi ro mất tiền. Chọn kỳ hạn hoặc gói tiết kiệm phù hợp với khả năng tài chính để có khả năng sinh lời cao nhất. Đảm bảo thông tin cá nhân chính xác: Khi giao dịch với ngân hàng, bạn phải đảm bảo độ chính xác về thông tin cá nhân như số CMND/CCCD, đặc biệt phải lưu ý nhớ kỹ mẫu chữ ký của mình. Bảo quản và giữ gìn sổ tiết kiệm cẩn thận: Sổ tiết kiệm chứng minh cho việc bạn gửi tiền vào ngân hàng, nếu lỡ làm mất sổ thì phải báo ngay cho ngân hàng và trực tiếp đến làm lại sổ, tránh bị kẻ gian giả mạo chữ ký, giấy tờ để rút tiền của bạn.
Đặc biệt: Không chia sẻ thông tin cá nhân, mật khẩu hay mã OTP cho bất kỳ ai.