Mới đây, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức cuộc họp khẩn tại Hà Nội để bàn biện pháp ứng phó với dịch cúm gia cầm A-H7N9 và cúm A-H5N1. Tại cuộc họp, giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết khả năng lây lan của virus cúm A-H7N9 vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Virus cúm A-H7N9 có độc lực rất cao.
Nguy cơ xâm nhập
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2016, trên toàn quốc ghi nhận lưu hành của cúm A và cúm B, trong đó cúm A-H3 chiếm ưu thế. Trong các bệnh cúm thì cúm A/H3 chiếm 46%, cúm B chiếm 36%, cúm A-H1N1 chiếm 18%.
Đặc biệt, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A-H5N1, cúm A-H7N9 và cúm A-H5N6. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch cúm A-H7N9 đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10/2016 tới nay, tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 với hơn 340 trường hợp mắc chỉ trong hai tháng đầu năm 2017.
Hiện nay, dịch cúm A-H7N9 tại Trung Quốc đã lan rộng và tiến sát biên giới, tốc độ gia tăng khá nhanh về địa lý và số ca mắc. Hơn nữa đây cũng là đợt dịch cúm A-H7N9 thứ 5 bùng phát trên thế giới nhưng lần này diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết khả năng lây lan của virus cúm A-H7N9 vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết trong năm 2017, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam khả năng có những diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự giao lưu đi lại của người dân giữa các quốc gia, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và tập quán của người dân. Việt Nam có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nơi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A-H7N9. Thêm vào đó, việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Theo ông Phu, đặc tính virus chưa có sự thay đổi nhưng phức tạp nhất là virus này không có biểu hiện trên đàn gia cầm. Tức là con gia cầm hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng lại có thể mang virus cúm. Hiện chưa có bằng chứng về việc virus này lây truyền dễ dàng từ người sang người. Tỷ lệ tử vong do nhiễm A-H7N9 trước đây là gần 50%, nay giảm còn 30% nhưng bệnh trở nặng rất nhanh nên người dân không được chủ quan khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Biện pháp phòng chống
Trước nguy cơ lây lan nhanh chóng của dịch cúm A-H7N9, nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt mọi người không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của bác sỹ…
Đối với việc ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây truyền sang người, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm và chỉ đạo khẩn trương Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công an, Bộ đội biên phòng tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi/đến vùng có dịch về các biện pháp phòng chống.
Trước nguy cơ xâm nhiễm cao của các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao như H7N9, H5N6, H5N2… và những diễn biến bất thường của dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn hoả tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố triển khai phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017” nhằm chủ động ngăn chặn và tiêu diệt mầm bệnh. Thời gian thực hiện bắt đầu triển khai từ ngày 22/2 đến 21/3.
Theo các chuyên gia y tế, các chủng virus cúm gia cầm mới tìm thấy trên người và gây tử vong A (H7N9, H10N8 và H6N1) đều được tìm thấy trên gia cầm từ trước đó, nhưng vài năm gần đây mới lây nhiễm sang người qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm.
Các nhà virus học giải thích sự gia tăng gần đây của virus gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các virus cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng virus mới.
Sự xuất hiện của rất nhiều virus mới đã tạo ra một nguồn gene đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gene giữa các chủng virus cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể đoán trước được và rất đáng lo ngại.
Phân biệt bệnh cảm và cúm Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, mọi người thường di chuyển đến nhiều vùng có nhiệt độ, khí hậu khác nhau làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp mà thường gặp nhất là cảm, cúm. Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, các triệu chứng của bệnh cảm và cúm rất giống nhau. Cúm do các chủng virus cúm gây ra, thường để lại những tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Trong khi cảm cũng do các virus gây ra nhưng chỉ khu trú tổn thương đường hô hấp trên, rất hiếm gây các tình trạng nặng đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần. Các triệu chứng của cảm thường bắt đầu bằng đau rát vùng cổ họng, chảy mũi nước, hắt xì hơi, chảy nước mắt, kèm ho, thường sốt rất nhẹ, không quá 38 độ C, trong khi trẻ nhỏ thường có khuynh hướng sốt cao. Các triệu chứng này thông thường mất đi sau 3 ngày, những trường hợp kéo dài hơn có thể bội nhiễm vi trùng hay một bệnh lý khác đặt biệt nếu kéo dài hơn 7 ngày. Triệu chứng cúm tương tự như cảm nhưng trầm trọng hơn rất nhiều và diễn biến rất nhanh, đi kèm sốt là tình trạng đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân, các virus cúm liên quan đến nguồn gốc gia cầm còn có triệu chứng nôn ói và tiêu chảy nhiều lần, đau đầu dữ dội… Cúm có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không đúng cách. |