Gần đây, lợi dụng việc Đảng ta đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức tung ra các luận điệu xuyên tạc, chống phá nguy hiểm. Do đó, cần nhận diện rõ bản chất của những luận điệu đó để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội phản động, các thế lực thù địch đưa ra nhiều thông tin, luận điệu xuyên tạc về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị mà Việt Nam đang tiến hành rất ráo riết. Những luận điệu đó tập trung vào 3 nhóm vấn đề sau:
Một là, có một số luận điệu cho rằng chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy ở Việt Nam là “ý muốn chủ quan”, “ý muốn cá nhân” của một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Có một số kẻ còn cáo buộc rằng “sáp nhập là cách Đảng muốn thanh trừng phe cánh”, giải quyết “đấu đá nội bộ” hay đây chỉ là “miếng bánh phân chia quyền lực”, chuyện của “các phe phái”... Do đó, chủ trương này được tiến hành rất nhanh chóng.
Hai là, một số luận điệu khác cho rằng việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Việt Nam chỉ là trò “đánh trống khua chiêng”, tuy được tiến hành rầm rộ nhưng “không thực chất” bởi “cơ cấu bộ máy nhà nước nói là tinh gọn nhưng không thay đổi mà chỉ chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác, chỉ gây tốn kém, phức tạp”. Do đó, họ cáo buộc rằng “Việc tinh giản biên chế ở Việt Nam chỉ là hình thức, mị dân”; “việc tinh giản biên chế sẽ khiến nhiều người mất việc, là thiếu tính nhân văn, gây ra mất ổn định xã hội”...
Ba là, từ thực tế sau khi tinh gọn, sáp nhập, một số đơn vị có số lượng cấp phó tăng lên nhiều hơn so với quy định, có quan điểm cho rằng “Càng tinh gọn lại càng phình ra”... Vì thế, có phần tử cơ hội chính trị còn võ đoán rằng chủ trương tinh gọn này trước sau cũng “chết yểu”, rồi “đâu lại vào đấy” và bộ máy chính trị của Việt Nam luôn có sẵn những “khuyết tật không thể giải quyết”!
Đáng lo ngại hơn cả, không chỉ có những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động bên ngoài mà ngay chính một bộ phận cán bộ, đảng viên do mơ hồ về nhận thức, dao động về lập trường tư tưởng đã tỏ ra hoang mang, tin theo những luận điệu sai trái hoặc có thái độ hoài nghi, mất niềm tin vào chủ trương lớn của Đảng. Đây là những biểu hiện không thể xem thường vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sâu xa hơn là ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong lịch sử dân tộc từ đầu thế kỷ XX đến nay, Việt Nam đã trải qua một số thay đổi mang tính cách mạng có tính bước ngoặt. Đó là cách mạng Tháng Tám năm 1945, cách mạng xã hội chủ nghĩa những năm 60, thời kỳ đổi mới bắt đầu từ năm 1986… Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy cũng được coi là những chuyển đổi mang tính cách mạng, hiện đang được triển khai rất nhanh chóng, đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương.
Một là, tinh gọn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, không phải là “ý muốn chủ quan” của một cá nhân, tổ chức nào.
Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, đặc biệt từ Đại hội VII (1991) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Nghị quyết số 10-NQ/TƯ, ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Nghị quyết số 17-NQ/TƯ, ngày 1/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước”; Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là những chủ trương, đường lối đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, không thể cáo buộc rằng chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy là ý muốn chủ quan của một cá nhân hay tổ chức nào.
Trong giai đoạn hiện nay, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị càng trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết vì về cơ bản, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối, chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Chi thường xuyên cho bộ máy chiếm tới gần 70% tổng chi ngân sách nhà nước (trong khi con số này ở nhiều nước chỉ khoảng 48 - 50%), do đó không còn đủ nguồn lực để đầu tư phát triển...
Hơn nữa, một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển đất nước.
Trong bài viết: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng, tính tất yếu phải đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quan điểm bảo đảm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hệ trọng, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tập trung giải quyết. Do đó, tinh gọn tổ chức bộ máy là yêu cầu tất yếu để xây dựng bộ máy chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.
Hai là, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, ngày càng đi vào thực chất chứ không phải mang tính hình thức, mị dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc tinh giản biên chế và giảm bớt các đầu mối, tầng nấc trung gian đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ riêng đối với Bộ Công an, từ năm 2018 đến nay, qua hai lần kiện toàn tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã giảm 7 tổng cục và tương đương, 55 đơn vị cấp cục, 7 trường Công an nhân dân, 20 sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh, gần 1.200 đơn vị cấp phòng, trên 3.500 đơn vị cấp đội. Sau sắp xếp, kiện toàn bộ máy, Bộ Công an vẫn hoạt động hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với nhiều dấu ấn nổi bật, đóng góp rất quan trọng vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước.
Những ngày gần đây, ngay sau khi cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được đẩy mạnh, toàn bộ các cơ quan của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy theo đúng lộ trình đặt ra. Ngày 30/12/2024, Bộ Chính trị công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Đây là những hành động và kết quả thực chất của việc tinh gọn bộ máy, từ đó phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy “chỉ mang tính hình thức”, “không thực chất”, “mị dân”. Thực tiễn cho thấy, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta với mục đích rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “làm cho có”, “chỉ là hình thức”, “tranh giành quyền lực” hay “đấu đá nội bộ”… như các thế lực thù địch xuyên tạc, rêu rao, bóp méo.
Ba là, trong giai đoạn đầu của quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy, cần chấp nhận những “bước quá độ” với sự tăng lên về số lượng cán bộ cấp phó nhưng đó là một bước đi cần thiết.
Đúng là có thực tế sau khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại thì số cán bộ cấp phó ở một số cơ quan từ Trung ương đến địa phương tăng cao hơn so với quy định. Tuy nhiên, đây là giải pháp phù hợp cho giai đoạn chuyển tiếp, bởi số lượng cơ quan và cán bộ lãnh đạo thuộc diện phải sáp nhập, giải thể... là rất lớn, không thể máy móc áp dụng đúng số lượng cấp phó ngay tại thời điểm sắp xếp lại. Khi hợp nhất, sáp nhập hai cơ quan thì việc một cán bộ cấp trưởng và đội ngũ cán bộ cấp phó của hai cơ quan này nếu vẫn còn thời gian công tác, có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, trở thành cấp phó của người đứng đầu cơ quan mới cũng là hợp tình hợp lý, vừa không lãng phí nguồn nhân lực, vừa mang ý nghĩa nhân văn.
Hơn nữa, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, sau một thời gian, số lượng cấp phó sẽ phải giảm đi. Điều này đã được đề cập trong nghị quyết của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 19/2/2025, quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Theo đó, nghị quyết nêu rõ, khi sắp xếp tổ chức bộ máy mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải giảm theo đúng quy định.
Như vậy, về lâu dài thì không hề có chuyện “càng tinh gọn lại càng phình ra” như các luận điệu xuyên tạc vẫn rao rêu. Việc tăng số lượng cấp phó của người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội, các bộ, cơ quan... chỉ là giải pháp tình thế cho giai đoạn chuyển tiếp, tồn tại trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc làm không hề dễ dàng, liên quan nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Do đó, để công tác quan trọng này đi tới thành công đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải có tinh thần mạnh mẽ hơn, với quyết tâm chính trị cao, thống nhất về tư tưởng, hành động quyết liệt, tiến hành nhanh, gọn nhưng phải hiệu quả và không để kéo dài.
Đặc biệt, cần phải công khai, minh bạch trong các bước thực hiện, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng thông tin mơ hồ, gây hoang mang; tăng cường đối thoại, giải thích trực tiếp, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong suốt quá trình thực hiện. Đồng thời, cần đẩy mạnh vai trò của báo chí và truyền thông trong đấu tranh, phản bác trực diện các luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang quyết liệt thực hiện…
Sở dĩ tinh gọn tổ chức bộ máy được coi là một cuộc cách mạng vì nó có thể tạo ra những thay đổi căn bản, toàn diện của hệ thống chính trị; góp phần xây dựng hệ thống chính của Việt Nam theo hướng tinh, gọn, mạnh. Những kết quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được cùng một khí thế mới của cả hệ thống chính trị sau khi tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị chính là luận cứ giàu sức thuyết phục để phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch về tinh gọn tổ chức bộ máy ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên phát trển mới.
Cần phải công khai, minh bạch trong các bước thực hiện, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng thông tin mơ hồ, gây hoang mang; tăng cường đối thoại, giải thích trực tiếp, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong suốt quá trình thực hiện.
Trương Thành Trung, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết