Mùa mưa lũ, người dân sống quanh khu vực những nhà máy thủy điện, hồ chưa chính là những người lo sợ nhất. Họ sợ “những quả bom nước” có thể “phát nổ” bất cứ lúc nào, cuốn đi hoa màu, của cải, nhà cửa, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, câu chuyện đang giằng dai đền bù hay không đền bù cho dân của chủ đầu tư thủy điện ở Kon Tum được nhiều người chú ý.
Vào tháng 10/2020, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 nên 62 hộ dân sinh sống ở khu vực lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 đã bị ảnh hưởng, nước ngập sâu, có nơi gần 2m, gây ra nhiều thiệt hại cho tài sản, hoa màu của bà con.
Sau đó, Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã vào cuộc điều tra, xác định nguyên nhân vụ việc. Kết quả xác minh cho thấy, cả Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai (chủ đầu tư Thủy điện Đăk Psi 5) và Công ty cổ phần thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi (chủ đầu tư hai Thủy điện Đăk Psi bậc 1 và bậc 2) đều phải chịu trách nhiệm do vận hành việc xả lũ sai quy định và không nạo vét lòng hồ dẫn đến nước lũ về nhanh, dâng cao, gây ra hiện tượng lũ chồng lũ.
Gần 2 năm đã trôi qua, theo ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum thì tới nay cả hai công ty nói trên vẫn không đi đến thống nhất đền bù cho 62 hộ dân tại hai xã Đăk Long và Đăk Psi. Ông Nhất nói: Quan điểm của Sở Công thương là những đơn vị vận hành không đúng quy định vận hành liên hồ đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì phải chịu trách nhiệm trước hành vi vi phạm của mình.
Cho dù sự việc chưa có hồi kết, vẫn còn trong “ngõ cụt” nhưng thái độ rõ ràng, kiên quyết bảo vệ người dân của lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Kon Tum là rất đáng hoan nghênh.
Trở lại với câu chuyện xả lũ của hồ thủy điện, trước nay cũng đã nhiều và cũng gây ra nhiều oán thán. Còn nhớ vào đầu tháng 10/2013, tại Nghệ An có tới hàng trăm hộ dân bị ngập nước, trong đó chỉ riêng thị xã Hoàng Mai có 200 hộ dân ở các phường Quỳnh Trang, Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân bị ngập, cuộc sống rất khó khăn.
Đáng nói là tại địa phương này khi ấy bão số 10 không trực tiếp đổ bộ, mưa lũ cũng không nặng hơn những năm trước, nhưng ngập lụt rất nặng nề, hầu hết các tuyến đường giao thông bị chia cắt, Quốc lộ 1A bị ách tắc, thiệt hại rất lớn. Nguyên nhân chính là do việc xả lũ hồ Vực Mấu gây nên. Sau đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Vực Mấu, Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu cho rằng đã có thông báo gửi UBND dân các xã, thị trấn trên địa bàn thị xã Hoàng Mai và các vùng phụ cận biết để chuẩn bị đối phó; tuy nhiên người dân cho biết họ không nắm được thông báo hồ Vực Mấu xả lũ nên đã không chuẩn bị trước phương án di dời, chuyển đồ đạc, tài sản đến các địa bàn khác cao hơn. Thực tế là nước từ hồ Vực Mấu tràn về, ngập lụt rất nặng, người dân trở tay không kịp.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An, đến tối 3/10/2013, bão số 10 đã làm thiệt hại đối với Nghệ An trên 1.239 tỷ đồng; trong đó, chỉ riêng thị xã Hoàng Mai là trên 800 tỷ đồng.
Việc xả lũ của các hồ thủy điện, thủy lợi cũng là bình thường, khi cần thiết phải điều tiết, cắt lũ đảm bảo sự an toàn của hồ đập, nhà máy. Nhưng việc xả lũ cũng phải đúng quy trình, phải đảm bảo người dân trong vùng và dưới hạ du được an toàn cả về tính mạng cũng tài sản. Không thể chỉ vì bảo vệ lợi ích của mình mà làm tổn hại đến người dân. Đặc biệt, sau khi đã gây ra hậu quả thì người dân lại phải tự gánh chịu, còn các chủ đầu tư không hề chịu trách nhiệm. Đó là điều thật khó chấp nhận. Trong trường hợp đó thì trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất lớn, phải đứng ra bảo vệ người dân. Nếu những vụ xả lũ gây tổn hại cho dân không được xử lý thì rất có thể vẫn lại có những vụ tiếp theo.
Năm nay thời tiết cực đoan, khó lường. Tuy nhiên, nhìn sang Trung Quốc cũng thấy cần cảnh giác cao với mưa lũ. Suốt từ giữa tháng 5, nhiều tỉnh miền nam Trung Quốc bị những trận mưa lớn tấn công, nước các dòng sông lên cao, nhiều nơi ngập nặng, hàng trăm nghìn người phải sơ tán tránh ngập. Truyền thông nước này cho rằng, những đợt mưa vừa rồi là nặng nề nhất trong vòng gần 100 năm.
Vì thế, với chúng ta, láng giềng với Trung Quốc, cũng không thể không đề phòng. Mà trước hết cần kiểm tra, rà soát lại tất cả các hồ đập chứa nước, các nhà máy thủy điện. Vì rằng, cổ nhân đã dạy “cẩn tắc vô áy náy”.