Tin vào những lời quảng cáo chắc nịch, cam kết chữa khỏi Covid-19, nhiều người dân đã bỏ ra số tiền không nhỏ để mua về những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được nhà nước cấp phép lưu hành.
Thuốc chữa Covid-19 tràn lan “chợ mạng”
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ một số vụ buôn bán những loại thuốc được quảng cáo là thuốc điều trị Covid-19 như Molnupiravir, Liên Thanh Hoa Ôn…, không rõ nguồn gốc được rao bán trên “chợ mạng”.
Đầu tháng 9/2021, Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, thu giữ hơn 700 hộp thuốc điều trị Covid-19 không có hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ nguồn gốc. Tổng giá trị hàng hóa khoảng gần 2 tỷ đồng.
Hay như vụ việc gây chú ý vào giữa tháng 9/2021, tại một Kho hàng tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn (Hà Nội), lực lượng Hải quan phát hiện hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 ngụy trang dưới vỏ bọc thực phẩm nhập lậu từ Ấn Độ về Việt Nam. Trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là thực phẩm, tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra lực lượng Hải quan thu giữ hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 như: Favipiravir Tablets 200 mg; Fabiflu 400 mg; Baricitinib; Molnupiravir Capsules…
Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực kiểm tra phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi buôn bán trái phép thuốc được quảng cáo điều trị Covid-19 nhưng tình trạng quảng cáo, rao bán những loại thuốc trên vẫn xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Dạo quanh một vòng trên mạng xã hội, chỉ cần gõ cụm từ thuốc chữa Covid-19, người dùng dễ dàng tìm thấy rất nhiều tài khoản, bài viết rao bán thuốc được cho là dùng để điều trị Covid-19 được “xách tay” từ nước ngoài về.
Một tài khoản Facebook có tên “thiết bị y tế H&G” đã quảng cáo thuốc điều trị Covid-19 xuất xứ từ Nga với tác dụng ức chế sự phát triển của virus Covid-19 trong cơ thể, làm bệnh không chuyển sang thể nặng hoặc thời gian ốm sẽ ngắn hơn... Bài viết này cũng kèm theo cách dùng và liều dùng cũng như các thông tin về chống chỉ định cho người dùng...
Theo tìm hiểu của phóng viên, những loại thuốc được rao bán trên mạng xã hội chủ yếu là các loại thuốc có tên như: Molnupiravir, Areplivir, Coronavir, hoặc Avifavir. Các loại thuốc này đều có chung đặc điểm là nhãn mác, bao bì được in những dòng chữ của các nước Nga, Ấn Độ.
Thậm chí nhiều tài khoản Facbook khác, khi rao bán thuốc còn “thúc giục” những người có ý định mua nhanh tay đặt hàng nếu không hàng sẽ hết vì những loại thuốc kể trên đều là hàng xách tay từ nước ngoài nên số lượng có hạn. Và đương nhiên, với số lượng ít như quảng cáo thì một hộp thuốc chữa Covid-19 đều có giá “cắt cổ” từ 3 đến 5 triệu đồng.
Đáng chú ý, khi được hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ về những loại thuốc chữa Covid-19, hầu hết các tài khoản trên hội nhóm rao bán thuốc này đều tỏ ra khá “lúng túng”, quanh co và chỉ “để lại” vài dòng khẳng định chắc nịnh về công dụng của thuốc còn giấy tờ thì không thể cung cấp cho người mua do “không có vì là hàng xách tay”.
Tuy vậy, với tâm lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và “sính” hàng ngoại nên nhiều người vẫn không tiếc tiền mua những hộp thuốc được cho là hàng nước ngoài và có khả năng chữa Covid-19.
Cẩn thận tiền mất tật mang
Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, một số đối tượng đã lợi dụng, rao bán các loại thuốc được quảng cáo thuốc điều trị Covid-19 như Molnupiravir, Liên Thanh Hoa Ôn… trên các trang thông tin điện tử, đặc biệt trên các mạng xã hội. Điều đáng nói, các thuốc này chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam hoặc là các thuốc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có văn bản số 7343/BYT-QLD đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, các trường hợp quảng cáo thuốc không đúng, quảng cáo thuốc quá công dụng, tăng giá thuốc không hợp lý, đầu cơ, găm hàng,...
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ như Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế tăng cường quản lý việc kinh doanh, quảng cáo điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Liên quan đến hành vi buôn bán thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi trên thị trường, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Đối với Tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Pháp nhân thương mại phạm tội này, tùy tính chất và mức độ vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.