Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Hàng năm, thời điểm này, cùng với nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao thì tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng cấm (như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ...) và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng (như xăng dầu, khí hóa lỏng, khoáng sản, phân bón, đường cát, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử...) gia tăng, diễn biến phức tạp.
Để ngăn chặn hàng lậu vào sâu nội địa, Chính phủ yêu cầu Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới đất liền (trọng điểm là các đường mòn, lối mở dọc biên giới), khu vực biên giới trên biển và các vùng biển; ngăn chặn, triệt phá không để hình thành các tụ điểm kho, bãi tập kết, chứa hàng hóa nhập lậu trong khu vực biên giới. Lực lượng Hải quan, Công an, Cảnh sát biển, Thanh tra giao thông... cũng sẽ vào cuộc quyết liệt.
Đặc biệt năm nay, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử được chú trọng. Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử bùng nổ với nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng mặt khác lại phát sinh những hành vi gian lận thương mại, không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng do chất lượng không bảo đảm, không được kiểm chứng từ cơ quan chức năng mà còn gây nhiễu loạn thị trường.
Thực tế cho thấy, tình trạng gian lận thông qua thương mại điện tử gia tăng, với những chiêu thức ngày một tinh vi hơn. Song, số vụ gian lận thương mại điện tử được phát hiện và xử lý ít. Việc mua bán hàng qua mạng ngày càng phổ biến càng đòi hỏi việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý sai phạm càng phải được tăng cường.
Trong lĩnh vực này, một điểm cũng cần chú ý là ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng còn rất yếu. Trả tiền cho nơi bán nhưng khi nhận hàng thì lại không đúng như quảng cáo, dù biết là bị lừa nhưng ít người lên tiếng. Nhiều người vẫn mang tâm lý ngại tố giác đến cơ quan chức năng (trong đó có Hội Bảo vệ người tiêu dùng), cũng ngại yêu cầu địa chỉ bán hàng gian lận bồi thường. Đó là nguyên nhân rất quan trọng khiến lừa đảo thương mại qua mạng xã hội “nhiều đất sống”.
Dịp Tết, tâm lý mua nhanh bán nhanh càng khiến cho hoạt động thương mại điện tử gia tăng cường độ. Vì thế, lại càng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng, cùng đó là sự cẩn trọng của người tiêu dùng.
Cùng với kiểm soát hoạt động thương mại điện tử thì để thị trường nội địa thực sự lành mạnh dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, việc không để hàng từ bên ngoài thẩm lậu qua biên giới là hết sức cần thiết. Đây là nguyên nhân rất quan trọng để ổn định thị trường.
Nói chung thì nếu “phên dậu” không chắc chắn, không rào chắn kỹ thì nạn buôn lậu qua biên giới vẫn sẽ tiếp tục. Nước ta có đường biên giới trên bộ dài, giáp với nhiều nước, địa hình lại phức tạp. Muốn chặn được hàng hóa nhập lậu vào sâu nội địa thì trách nhiệm của Hải quan, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương phải cao hơn.
Chưa hết, thời gian qua còn diễn ra tình trạng buôn lậu qua đường hàng không, đường biển, điều đó càng khiến cho cuộc chiến chống buôn lậu trở nên gay gắt.
Chống buôn lậu, gian lận thương mại là trách nhiệm của cơ quan chức năng nhưng cũng là trách nhiệm của toàn dân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Người tiêu dùng tố giác tới cơ quan chức năng những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo, vừa bảo vệ quyền lợi của chính mình vừa góp phần làm lành mạnh thị trường. Để tới đây mọi người mọi nhà cùng được đón một mùa Tết cổ truyền an vui, đầm ấm.