Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) I sớm khắc phục tình trạng mặt đường bị hư hỏng cục bộ rạn nứt trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, xử lý các bất cập về tổ chức giao thông trên một số tuyến đường bộ cao tốc theo đề nghị của Bộ Công an.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT, nhà đầu tư để xử lý các tồn tại, bất cập.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tình trạng mặt đường của tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bị hư hỏng cục bộ rạn nứt mặt đường, cần sớm sửa chữa.
Khu QLĐB I chịu trách nhiệm báo cáo tình trạng mặt đường hiện nay, trong thời gian 3-5 năm (từ 2023 về trước) đã sửa chữa bao nhiêu dự án, tổng kinh phí các dự án đã thực hiện ra sao?
"Hiện nay, còn tình trạng dừng xe, đón trả khách trên tuyến, xe máy đi vào cao tốc. Đề nghị bố trí camera để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý vi phạm.
Kiểm tra, rà soát báo cáo kết quả tình hình thực hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể", Cục Đường bộ yêu cầu Khu QLĐB I kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Cục yêu cầu Khu QLĐB I kiểm tra, khắc phục hệ thống biển báo chưa được nâng cấp, thay thế cho phù hợp theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT để tạo điều kiện cho người tham gia giao thông và lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý.
Cùng đó, Cục Đường bộ đề nghị Nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên tăng cường công tác tuần đường; quay phim, chụp ảnh những tình trạng vi phạm gửi lực lượng Cảnh sát giao thông - C08 phụ trách trên tuyến để phối hợp xử lý.
Còn đối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) IV sẽ chịu trách nhiệm tập trung kiểm tra theo đúng nội dung mà Bộ Công an yêu cầu.
Cụ thể, kiểm tra thời gian đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Chợ Đệm (đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và đường Võ Văn Tần) chưa hợp lý, gây ùn ứ khi phương tiện tăng đột biến.
Vị trí tiếp giáp giữa tường chắn bê tông cốt thép và đầu hộ lan mềm của tôn phòng hộ chưa trên cùng một mặt bằng (Km24+900, Km30+850, Km30).
Tại khu vực 10 cầu vượt trực thông không lắp đặt lưới chống vật rơi.
Từ Km24+000 đến Km24+800(TT) mép đường bên trái bị hư hỏng, lồi lõm, tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông.
Đối với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đầu tư theo hình thức BOT giao Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chủ trì, phối hợp với Khu QLĐB I kiểm tra, xử lý nếu phát hiện ra các điểm đen, điểm tiềm ẩn giao thông.
Đối với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Công an không có ý kiến cụ thể, tuy nhiên Cục Đường bộ cũng đề nghị VIDIFI kiểm tra, rà soát báo cáo và đề xuất phương án xử lý cụ thể (nếu có).