“Cải cách tiền lương là cải thiện trực tiếp đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Điều này sẽ là tiền đề để nâng cao năng suất lao động, giúp cán bộ, công chức, viên chức gắn bó hơn với công việc. Chính vì vậy chúng ta cần phải làm càng sớm càng tốt” - ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định.
Cứ nói đến cải cách tiền lương là... sợ
Lương cơ sở chính thức tăng từ 1/7/2023 với mức tăng được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay. Theo ông Lợi, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng là một sự động viên đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước và cũng là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt, về dài hạn vẫn cần cải cách tiền lương, chỉ khi tiến hành cải cách tiền lương mới hạn chế được tình trạng công chức, viên chức “chân trong chân ngoài”.
Nghị quyết 27 của Trung ương đặt mục tiêu, lộ trình là tới năm 2021 phải cải cách xong tiền lương, tức là năm 2020 phải điều chỉnh tiền lương. Tuy nhiên, do xuất hiện dịch Covid-19 mà lộ trình này bị gián đoạn.
Có một thực tế, lâu nay cứ bàn đến cải cách tiền lương là chúng ta sợ không có tiền. Sở dĩ thời gian qua, lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại là bởi trong 3 năm 2019-2020-2022, chúng ta đã phải chi 95.000 tỷ đồng cho chống dịch.
“Có nhiều vấn đề đặt ra khi cải cách tiền lương song đây là vấn đề cấp bách không thể trì hoãn” – ông Lợi nhấn mạnh, đồng thời cho biết, chúng ta đã tăng lương cơ sở lên 1.800.000 đồng, tuy nhiên, với mức điều chỉnh này, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đủ để đáp ứng những nhu cầu cuộc sống, nên rất khó tạo ra đội ngũ công chức chuyên nghiệp, chuyên cần và hiệu quả. Chính vì vậy, việc cấp bách đặt ra trước mắt là phải đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng được với sự gia tăng của giá cả thị trường. Nếu cải cách tiền lương sớm, chúng ta sẽ giải quyết 2 vấn đề: Thứ nhất là để thực hiện nghị quyết của Trung ương, Thứ hai là nếu cải cách được tiền lương thì sẽ nâng cao đời sống của công chức viên chức. Đó chính là nền tảng của trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh. Từ đó làm giảm "chảy máu chất xám", giảm tình trạng “nhảy việc” của công chức, viên chức từ khu vực công sang khu vực tư.
Cải cách tiền lương là đầu tư cho con người
Lâu nay chúng ta vẫn còn có nhiều băn khoăn giữa đầu tư cho con người hay đầu tư phát triển kinh tế. Rất khó để có thể đánh giá cái nào ưu việt hơn, song ông Lợi khẳng định, cải cách tiền lương, tăng lương là đầu tư cho con người. Thực tế, đã ghi nhận việc đầu tư cho con người thông qua đầu tư 20% tổng ngân sách cho giáo dục. Con người là 1 trong 3 yếu tố của quá trình sản xuất, nhưng nó là 1 trong 3 yếu tố quan trọng nhất quyết định quá trình phát triển đất nước.
Tuy nhiên, để cải cách tiền lương hiệu quả, tinh giản biên chế là yếu tố tiên quyết của cải cách chính sách tiền lương. Trong đó sự phân công lại lao động hợp lý sẽ góp phần tăng năng suất lao động, tạo tăng trưởng xã hội để phát triển đất nước. Cần thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng phải thực hiện có chọn lọc, đảm bảo các đơn vị này đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Cuối cùng phải tạo được nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương.
Hiện nay, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi phải chi nhiều…Vì vậy phải cơ cấu lại chi ngân sách. Việc đầu tư cho con người và cho đội ngũ công chức hành chính nói riêng, sẽ có lợi về lâu dài cả về kinh tế, chính trị và xã hội.