Cấp giấy phép lái xe: Bộ nào quản lý?

Việt Thắng 16/09/2020 09:22

Ngày 16/9, thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung làm thay đổi trách nhiệm đang thực hiện.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều.

Theo đó, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý lái xe bằng cơ sở dữ liệu có liên thông với các bộ, ngành liên quan; quy định người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để phù hợp với Công ước Viên năm 1968; quy định về điểm của giấy phép lái xe.

Thẩm tra dự án luật trên, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, có ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung làm thay đổi trách nhiệm đang thực hiện như quy định thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an; lược bỏ thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của Thanh tra Giao thông.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cơ bản nhất trí với các ý kiến trên và đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi để hoàn thiện, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa hai Luật này, không để chồng chéo, trùng lắp; phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước và tránh nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách.

Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh thấy rằng: Từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ (2001 và 2008) và được thực hiện ổn định.

Bộ Giao thông vận tải đã cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động này; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bất cập về chất lượng đào tạo, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và theo dõi thi hành pháp luật về an toàn giao thông đối với người lái xe.

Ông Việt cũng cho biết, quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi quản lý người điều khiển phương tiện giao thông, liên quan trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông đường bộ nên khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là phù hợp; đồng thời, giao Bộ Công an để thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông; quản lý hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt, chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe.

Nội dung này cũng đã được Chính phủ thảo luận và thống nhất quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xây dựng 2 phương án: quy định Luật này (phương án 1) hoặc quy định trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (phương án 2).

Bản chất của vấn đề là xác định Bộ nào quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất trình Quốc hội phương án 1.

Thường trực Ủy ban nhất trí với phương án 1 mà Chính phủ đã thống nhất và giao Bộ Công an quản lý nhà nước nội dung nêu trên, vì nội dung này thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Việt: Có ý kiến đề nghị Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức biên chế, kinh phí thực hiện, tính hiệu quả của cả 2 phương án nêu trên và kinh nghiệm các nước quản lý nội dung này.

Đây là vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp giấy phép lái xe: Bộ nào quản lý?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO