Theo Thượng tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, tính đến đầu giờ chiều nay đã cứu được 33 người, 16 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng; tìm thấy 6 thi thể, còn 13 người chưa tìm thấy.
Cập nhật...
Tối 29/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết có 21 người may mắn chạy thoát tại 2 vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng và Trà Vân huyện Nam Trà My. Đây là 21 người trong số trong số 53 người được xem là mất tích như thông tin ban đầu.
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, sau một ngày nỗ lực tiếp cận hiện trường, đến chiều 29/10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sau khi tiếp tục đi bộ gần 4 km đã đến được thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Họ đã cùng với người dân địa phương đã tìm được 12 người bị thương nặng và 6 thi thể, đều là người dân ở thôn 1 xã Trà Leng.
Tối 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ban hành văn bản chỉ đạo khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, huy động toàn bộ lực lượng hiện có của các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn phối hợp với lực lượng các đơn vị quân đội thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và lực lượng của các sở, ban ngành liên quan của tỉnh khẩn trương thực hiện khai thông, mở đường để các lực lượng, phương tiện sớm tiếp cận các khu vực bị sạt lở, triển khai ngay công tác tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp, mất tích.
Các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn phải tuân thủ sự chỉ đạo của Sở chỉ huy tiền phương và Ban chỉ huy hiện trường, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình tìm kiếm.
Tường thuật từ hiện trường cho hay, 11 ngôi nhà trong chớp mắt đã tan hoang, mạng người như thứ rễ cây, ngọn cỏ nhỏ bé dưới cơn cuồng nộ, tất cả bị vùi lấp dưới đất bùn... Thôn 1, Trà Leng - nơi 11 căn nhà mọi người quây quần mới hôm qua, giờ chỉ là bãi đất. Ngổn ngang cây cối, đá tảng và những thứ cột kèo, mái lá còn lại trên mặt đất. Hơn 50 nhân mạng đã không thể thoát được khỏi cơn lũ ống.
Lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 cùng nhiều xe cơ giới chuyên dụng đã mất nhiều giờ để vượt qua các điểm sạt lở, vừa kịp tiếp cận hiện trường vào cuối chiều nay.
Lúc 13h chiều nay 29/10, điểm sạt lở cuối cùng tại km81, quốc lộ 40B đã được thông tuyến giúp lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 với 200 cán bộ chiến sĩ. Các lực lượng có thể đi vào hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Lực lượng tiếp cận sớm nhất gồm 20 cán bộ chiến sĩ công binh, quân y mang theo thùng cứu thương vào để cấp cứu các trường hợp bị thương. Có 4 trường hợp bị thương nặng được đưa ra trước, trong đó có 2 trẻ nhỏ từ khu vực sạt lở xã Trà Leng, đến Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My để chữa trị.
Hiện nay xe cứu thương tiếp tục vào hiện trường để đưa các nạn nhân bị thương trong số những người mất tích ở Trà Leng đến bệnh viện cấp cứu. Người bị thương nặng sẽ tiếp tục được chuyển về tuyến bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam.
Theo Thượng tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, tính đến đầu giờ chiều nay đã cứu được 33 người, 16 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng; tìm thấy 6 thi thể, còn 13 người chưa tìm thấy.
Những người may mắn sống là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết.
Thủ tướng: Bằng mọi cách đưa lực lượng, phương tiện đến hiện trường sạt lở ở Quảng Nam
BSCK I Trần Thị Minh Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My cho biết, đến 16h chiều 29/10, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân tại xã Trà Leng, trong đó có 2 bệnh nhân nặng, qua hội chuẩn thống nhất chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam để điều trị.
Trên toàn tỉnh Quảng Nam, tới 16h chiều 29/10, có 19 người chết do sạt lở đất, 22 người mất tích. Trong đó, huyện Nam Trà My có 14 người chết, 13 người mất tích; huyện Phước Sơn có 5 người chết, 8 người mất tích, huyện Bắc Trà My mất tích 1 người.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại địa bàn, đến 12h ngày 29/10, có 3/5 điểm sạt lở trên Quốc lộ 40 đã được xử lý xong. Dự kiến, đến khoảng 16h cùng ngày, tất cả 5 điểm sạt lở nặng sẽ được xử lý xong, đảm bảo thông tuyến.
Khả năng đến khoảng 17h ngày 29/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sẽ tiếp cận hiện trường hai xã Trà Leng và Trà Vân.
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết trên Quốc lộ 40B có 5 điểm sạt lở với khối lượng lớn đất đá tràn xuống nền đường khiến giao thông trên tuyến quốc lộ này bị tắc nghẽn, việc tiếp cận hiện trường chưa thể thực hiện ngay được.
Tỉnh Quảng Nam đã huy động nhiều phương tiện xe cơ giới hạng nặng để thông tuyến từ hai phía Quốc lộ 40 nhằm rút ngắn thời gian các lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5, trực trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn tại hai xã Trà Leng và Trà Vân cho biết ngoài việc chờ thông tuyến đường, lực lượng trinh sát của Quân khu 5 đang điều nghiên để tìm đường ngắn nhất cho các lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tại điểm sạt lở Trà Leng đã tìm thấy 8 thi thể bị vùi lấp. Như vậy, tại 2 điểm sạt lở Trà Vân và Trà Leng đã tìm thấy tổng cộng 16 thi thể.
Về số người mất tích, ông Bửu cho biết vẫn đang tiến hành xác minh con số cụ thể do có 2 hộ gia đình chưa rõ mấy người do hoảng sợ đã chạy vào núi trốn, sáng nay 2 hộ này mới trở về. Tổng cộng có khoảng 11 hộ gia đình bị vùi lấp với nạn nhân khoảng 43 người còn đang mất tích.
Về thông tin có cán bộ xã Trà Leng bị mất tích, hiện lực lượng chức năng của huyện và tỉnh đang xác minh, chưa thể khẳng định.
Còn ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch huyện Bắc Trà My cho biết, sáng nay người dân của huyện đã phát hiện được 1 thi thể nhưng chưa rõ tung tích. Hiện thi thể này đang được xác minh danh tính.
[VIDEO] Tư lệnh Quân khu 5 thông tin về phương án cứu nạn vụ sạt lở đất
Đến 10h, cuộc họp bàn phương án triển khai công tác cứu hộ kết thúc. Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 cho biết đã lên kế hoạch tiếp cận hiện trường bằng đường bộ khác - theo đường bê tông từ thôn 6 (xã Trà Tân, Bắc Trà My) đi vòng qua điểm sạt lở ở Trà Đốc (Bắc Trà My) để tiếp cận sớm nhất.
Lực lượng đi gồm 2 tổ quân y, lực lượng công binh, trinh sát với cơ số lương thực đủ trong 7 ngày. Đồng thời Quân khu 5 tiếp tục khảo sát đường vào, phải thông cho bằng được đường bộ để vào thôn 1 xã Trà Leng nhằm đưa cơ giới vào tìm kiếm.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường sau khi nghe ý kiến của các thành viên Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu huyện Nam Trà My nhanh chóng đưa lực lượng cơ động tại chỗ của địa phương vào trước và sớm nhất có thể.
Huyện Bắc Trà My tiếp tục hỗ trợ Quân khu 5 trong công tác khai thông đường; hỗ trợ lực lượng cơ động cho Nam Trà My, ưu tiên dân quân tự vệ thông thạo, am hiểu địa hình, thời tiết địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị các lực lượng tiếp tục nghiên cứu phương án tiếp cận đường thủy. Đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 hỗ trợ tối đa phương tiện cơ giới cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, cần nhanh chóng hỗ trợ mai táng cho các trường hợp đã tìm được thi thể theo đúng phong tục địa phương. Bằng mọi giá phải tìm kiếm cứu nạn người càng sớm càng tốt trong vòng 3 ngày tới khi thời tiết còn nắng ráo.
9h ngày 29/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đang có mặt tại xã Trà Tăng, huyện Bắc Trà My, điểm sạt lở chia cắt đường lên huyện Nam Trà My, nơi xảy ra vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu hành quân bằng mọi con đường và phương tiện để vào điểm sạt lở. Như dùng xuồng đi trên sông Tranh, sử dụng trực thăng bay khảo sát và tìm kiếm, thả người xuống điểm cứu nạn.
Quãng đường di chuyển giữa hai huyện Bắc và Nam Trà My khoảng 50 km, còn địa điểm sạt lở tại xã Trà Tăng cách điểm cứu hộ, cứu nạn ở Nam Trà My khoảng 14 km.
Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định tình hình rất phức tạp. Ông yêu cầu các lực lượng tập trung với phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt nòng cốt là lực lượng vũ trang, huy động vật tư, thiết bị cần thiết để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu đồng bào - những người bị nạn đang rất cần chúng ta.
“Phải tìm kiếm những người mất tích, cứu những người còn sống sót”, Phó thủ tướng lưu ý nhiệm vụ này rất cấp bách, các lực lượng cần tập trung cao độ và đặc biệt đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Gọi điện báo cáo với Thủ tướng về tình hình tại đây, Phó Thủ tướng cho biết con đường đi vào hiện trường rất trắc trở, nhiều điểm sạt lở. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đang tập trung chỉ đạo thông đường vào hiện trường.
Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh quân khu 5, trình bày phương án tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Ông cho biết lực lượng hành quân từ 1h sáng nhưng đến nay chỉ giải phóng được những điểm có cây gãy đổ. Theo báo cáo của lực lượng tại hiện trường, tuyến đường này hiện có 5 điểm sạt lở, đã giải phóng được 3 điểm và còn 2 điểm chưa thông - đều là hai điểm sạt lở lớn.
Phương án của Quân khu 5 được Tư lệnh Nguyễn Long Cáng báo cáo trước hết là phối hợp với địa phương để thông đường, sau đó đi bộ vào khu bà con đang ở, vì ôtô không đi được. Ông khẳng định lực lượng quân đội trong quá trình tìm cứu cứu hộ, cứu nạn đều được huấn luyện đảm bảo an toàn.
“Quá trình di chuyển chúng tôi có sự hiệp đồng chặt chẽ. Chỗ nào nghi ngờ nguy hiểm là dừng kiểm tra xong mới di chuyển để đảm bảo an toàn cho lực lượng”, Tư lệnh Quân khu 5 nói.
Ông cho biết ở thôn 1, xã Trà Leng hiện chưa có lực lượng cứu hộ đến, chỉ có nguời địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp cận nhanh nhất hiện trường. Trường hợp chưa đưa được máy móc vào tìm kiếm thì cử lực lượng quân đội, công binh vào trước, tìm kiếm thủ công. Cùng với đó, nghiên cứu phương án đưa máy bay trực thăng vào ứng cứu.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện trao đổi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác cứu nạn. Thủ tướng gửi lời động viên đến lực lượng cứu nạn, đề nghị tập trung tất cả khả năng để có thể tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Rạng sáng nay, 29/10, các lực lượng của Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, địa phương và các ngành liên quan đã tìm cách tiếp cận 2 vị trí sạt lở tại Trà Leng và Trà Vân (Nam Trà My), vùi lấp 53 người vào tối qua 28/10.
Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 đã khảo sát việc mở đường vào hiện trường 2 vụ sạt lở ở Nam Trà My.
Tư lệnh Quân khu 5 yêu cầu lực lượng công binh sử dụng cơ giới phải nhanh chóng mở đường sớm nhất có thể. Đồng thời phải làm sao vừa cứu người dân vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My đang tiến hành xử lý điểm sạt lở trên quốc lộ 40B (khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2, xã Trà Đốc, Bắc Trà My). Tiếp đó, lực lượng công binh Quân khu 5 sẽ tiếp ứng, mở đường để các lực lượng cứu nạn tiếp cận hiện trường.
Hiện nay, lực lượng cứu hộ còn cách vị trí sạt lở tại Trà Leng khoảng 30 km.
Trong khi chờ lực lượng công binh khắc phục sạt lở, mở đường, bộ phận hậu cần, y tế tạm thời rút về Ban CHQS huyện Bắc Trà My triển khai công tác bảo đảm cho lực lượng cứu hộ.
Sáng nay, 29/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đang cùng đoàn công tác vào Sở Chỉ huy tiền phương, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn 53 người mất tích tại Quảng Nam.
Trong lúc đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đi đánh giá thiệt hại do mưa bão và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão tại Bình Định và Quảng Ngãi.
Ngay sau cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại Nam Trà My, đêm 28/10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng tổ chức họp bàn phương án tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích.
Theo đó, thống nhất thành lập 3 sở chỉ huy gồm: sở chỉ huy chính đặt tại Bắc Trà My và 2 sở chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ở xã Trà Leng và xã Trà Vân (Nam Trà My).
Vào 3h sáng nay, 29/10, Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) chuẩn bị quân số, 1 máy đào, 1 máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng… cơ động lên hiện trường.
Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My trinh sát đường vào hiện trường sạt lở; lực lượng công binh sẽ tiến hành mở đường khẩn cấp. Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) cũng sẵn sàng trạng thái chiến đấu, cơ động khi cần thiết.
Lực lượng trinh sát cũng xác định địa hình, địa chất để sở chỉ huy đưa ra các phương án tìm kiếm hiệu quả, an toàn nhất. Công tác y tế được chuẩn bị chu đáo, có thể trưng dụng Trung tâm Y tế Nam Trà My để phục vụ khi cần thiết.
Theo TTXVN, đêm 28/10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành liên quan đã họp khẩn về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My).
Cuộc họp đã nhất trí thành lập Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương tại huyện Bắc Trà My do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trí Thanh chỉ huy.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện đã có thông tin ban đầu về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng. Tuy nhiên, từ trung tâm xã đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên chưa thể tiếp cận.
Cụ thể, đã có 53 người mất tích, trong đó có 45 người ở thôn 1 (xã Trà Leng) và 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân. Hiện lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 7 nạn nhân.
Đêm 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Trong Công điện gửi Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5; UBND tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.