Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế rà soát các chính sách thuế thu nhập cá nhân để trình Chính phủ hỗ trợ người nộp thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là quy định về phương pháp tính mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc, quy định về đối tượng phụ thuộc...
Hiện nay, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với người làm công ăn lương được chia làm 7 bậc: bậc 1 từ 0 - 5 triệu đồng/tháng thuế suất 0,5%; bậc 2 từ 5 - 10 triệu đồng/tháng thuế suất 10%; bậc 3 từ 10 - 18 triệu đồng/tháng thuế suất 15%; bậc 4 từ 18 - 32 triệu đồng/tháng thuế suất 20%; bậc 5 từ 32 - 52 triệu đồng/tháng thuế suất 25%; bậc 6 từ 52 - 80 triệu đồng/tháng thuế suất 30%; bậc 7 trên 80 triệu đồng/tháng thuế suất 35%.
Mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp
Nhiều ý kiến đề xuất cần giảm mức thuế suất ở các bậc tính thuế TNCN, đồng thời cho rằng mức giảm trừ gia cảnh là không phù hợp với mặt bằng giá nhiều năm nay. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng đối với các đối tượng nộp thuế, trong đó người làm công ăn lương sẽ thiệt thòi hơn cả.
Nói với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chị Trần Nguyễn Phương Minh hiện đang công tác ở một công ty lớn trên đường Đội Cấn (Hà Nội) cho biết, 2 tháng trước chị nhận được thông báo đóng thuế TNCN gần 5 triệu đồng, gần bằng phần lương làm thêm của chị.
“Tôi biết là công ty tạm giữ lại phần thuế, đến tháng 3 năm sau tiến hành quyết toán nếu tôi đóng thừa sẽ được hoàn thuế. Vậy nhưng tôi thấy thu nhập của tôi vào khoảng 11 triệu đồng/tháng chỉ đủ đóng tiền học và tiền ăn cho 2 mẹ con. Có thu nhập tăng thêm cũng chỉ là khoản tiết kiệm để dành, vậy mà bị trừ 5 triệu, xót xa lắm” - chị Minh nói.
Chị Lương Thu Hương, nhân viên hành chính một đơn vị sự nghiệp có thu ở Hà Nội cho biết, đầu năm 2022 chị được công ty thông báo nộp tiền thuế TNCN năm 2021 và thông báo uỷ quyền nộp thuế. Chị Hương cho biết, tổng thu nhập của chị năm 2021 là 224,6 triệu đồng, sau khi được giảm trừ 184,8 triệu đồng, chị phải nộp thuế 6,7 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong năm chị Hương có một số khoản thu nhập bất thường và bộ phận kế toán đã tạm thu 10% là 2,4 triệu đồng. Sau khi quyết toán, chị Hương còn phải nộp 4,3 triệu đồng thuế TNCN. Thêm thu nhập của chồng 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), tổng thu nhập của hai vợ chồng chị Hương năm vừa qua là 332,6 triệu đồng. Vợ chồng chị hiện còn phải “gánh” một khoản nợ mua nhà trả góp trong 10 năm tương ứng 168 triệu đồng/năm (14 triệu đồng/tháng), chiếm 50% tổng thu nhập của hai vợ chồng.
“Chưa kể còn tiền ăn, tiền điện nước, tiền học cho hai con, tiền ốm đau bệnh tật… nên hai vợ chồng phải dè xẻn từng đồng” - chị Hương nói.
Trên thực tế, những đối tượng đang phải đóng thuế TNCN ở bậc 1, bậc 2 hiện nay chỉ mới đủ sống. Giá hàng hóa tăng cao sẽ khiến họ bị ảnh hưởng. Vì vậy nhiều người đề nghị cần xem xét lại bậc thuế TNCN cho người lao động và tăng mức giảm trừ gia cảnh. Với hai con nhỏ trong độ tuổi mầm non và tiểu học, trung bình mỗi tháng chỉ tính riêng chi phí cơ bản như tiền học, sữa… cũng hết trên 10 triệu đồng. Vì thế, với mức thu nhập này phải co kéo mới đủ trang trải, vậy mà vẫn phải đóng thuế TNCN.
Cần tư duy thực tế trong tính thuế thu nhập cá nhân
Theo TS Đinh Trọng Thịnh, cách điều hành cũng như việc xây dựng luật thuế TNCN của Tổng cục Thuế thời gian qua có vấn đề khi chỉ tiến hành điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc. Mọi thứ đều biến động, tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát?
Theo ông Thịnh, các nước tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân cần cù sáng tạo, nâng cao thu nhập. “Người làm chính sách cần phải xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo” - ông Thịnh nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. So với 10 năm trước, đến nay, đời sống của người dân cũng nâng lên rất nhiều, nhu cầu về vật chất và tinh thần cao hơn nhiều. “Chỉ số giá tiêu dùng chỉ là một căn cứ, Bộ Tài chính cần phải tính toán trên nhiều phương diện nữa” - ông Long đặt vấn đề.
Cũng chỉ ra những bất cập trong cách tính thuế TNCN, ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, quy định nộp thuế TNCN hiện nay còn nhiều bất cập về yếu tố công bằng mang tính tương đối giữa các nhóm lao động, giữa thu nhập theo vị trí địa lý. Lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành 4 vùng khác nhau, với mức chênh lệch khác nhau. Với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau. Ở vùng sâu, vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, có thể dư giả; nhưng ở thành thị mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không hợp lý.
“Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức thuế TNCN. Trong việc điều chỉnh trước hết dựa vào tính thực tiễn, công bằng, thực thi. Sau đó, tính đến lợi ích hài hòa của các thành phần trong xã hội. Phải thu thuế làm sao để kích thích người dân hăng say lao động” - ông Sang nêu ý kiến.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật BASICO) nguyên tắc tính thuế theo biến động CPI hiện nay là đúng, nhưng phải căn cứ trên một cái nền và nguyên tắc phù hợp hơn. Thuế TNCN bản chất là đánh thuế người khá giả. Cho nên ít nhất phải có một mức sàn là trung bình thu nhập của xã hội, khi trên trung bình thì đánh thuế. “Vậy trung bình của chúng ta là bao nhiêu, phải chăng trung bình là đối với 1 người trụ cột là 11 triệu đồng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng? Không phải thế. Hiện nay chúng ta không căn cứ vào thu nhập tối thiểu, không căn cứ vào thu nhập bình quân của xã hội, cũng không căn cứ vào mức sống, do đó vấn đề này còn gây tranh cãi”- ông Đức nói.