Xăng tăng giá đang trở thành chủ đề bàn tán rôm rả của người làm nghề xe ôm, shipper công nghệ. Dịch dã khó khăn, lượng khách đã ít, nay giá xăng còn tăng mạnh khiến các cuộc cạnh tranh trên mỗi cung đường ngày càng khốc liệt hơn.
Mùa “đi câu” thất bát
Vừa chỉnh lại chiếc Wave cũ dựng trên vỉa hè cạnh bến xe Mỹ Đình, anh Hoàng Văn Thương (27 tuổi, quê Yên Bái) nhanh chóng đưa mắt đảo vào trong bến xe tìm khách. Chính thức thất nghiệp kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chạy xe ôm là lựa chọn duy nhất của anh trong những ngày này. Mới chạy xe lại chỉ chưa đầy 1 tuần, thế nhưng đã vấp phải vài lần giá xăng tăng kỉ lục, anh Thương lắc đầu ngao ngán: “Chạy xe cũng như cái nghề đi câu vậy, có hôm được nhiều, hôm được ít nhưng đợt này thì “móm” thật chú ạ!”.
Anh Thương cho biết, những ngày này ứng dụng xe ôm công nghệ chưa được mở lại để đón khách cho nên chỉ có cách duy nhất là đứng trực chờ ở bến xe. Thế nhưng do Hà Nội mới chỉ mở lại bến xe, lượng khách còn ít, trong khi người chạy xe thì nhiều nên có những ngày này tiền công chỉ đủ cho 2 bữa cơm.
Ở chung phòng trọ với anh Thương, anh Tạ Thùy Lâm (22 tuổi, quê Phú Thọ) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau những ngày nghỉ dịch, cả 2 cùng quyết định chạy xe ôm trong thời gian chưa tìm được việc làm phù hợp. Lâm cho biết, trước đây từng làm nhân viên văn phòng cho một công ty, tuy nhiên vì dịch bệnh, bộ phận của anh bị cắt giảm nên rơi vào tình trạng thất nghiệp, “ăn không ngồi rồi” trong trọ suốt hơn 2 tháng.
Anh Lâm cho hay, những ngày không có việc cũng không thể ra ngoài vì giãn cách, phải ra bờ ruộng gần phòng trọ để lấy rau về ăn cho qua bữa, mượn cả lưới của người dân để bắt cá…Đến nỗi khi nghĩ lại, anh không khỏi rùng mình vì chưa từng tưởng tượng có những ngày cùng cực đến vậy.
“Đấy cứ nhìn màu xanh lét đầy cả bến xe là biết khó khăn như thế nào. Giá xăng cũng không thành vấn đề nếu khách đông, nhưng giờ ứng dụng chưa mở lại, chỉ biết cầm cự thế này cho qua ngày thôi. Chẳng biết bao giờ mới thật sự bình thường trở lại” - Lâm buồn bã nói.
Ngao ngán giá xăng tăng
Không chỉ xe ôm truyền thống, shipper công nghệ cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự. Niềm vui đi làm trở lại chưa được bao lâu thì giá xăng leo thang từng ngày khiến không ít người loay hoay xoay sở.
Ngay khu vực ngã tư Nguyễn Phong Sắc – Xuân Thủy, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe máy của những shipper công nghệ trực chờ đơn hàng từ ứng dụng. Nhiều người tranh thủ ăn vội vàng hộp cơm, một số khác nằm ngủ gật ngay trên xe. Trò chuyện với chúng tôi, ai cũng thở dài ngao ngán: “Vừa mới hết dịch, chạy xe trở lại chưa kịp kiếm được mấy đồng xăng đã tăng giá, cứ thế này chẳng biết thời gian tới sống ra sao”.
Trong số những shipper tại đây, không ít người là cử nhân của những trường Đại học tại Hà Nội, do chưa tìm được việc làm nên gia nhập đội quân shipper để có tiền trang trải cuộc sống.
Nguyễn Quang M. (22 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Bách Khoa) chia sẻ: “Giá xăng tăng em cũng không quan tâm lắm bằng việc mỗi ngày chỉ chạy được chưa đến 10 đơn. Tính ra chỉ dưới 200 ngàn/ngày, trong khi thời gian làm hơn 10 tiếng. So với những ngày trước dịch thì mức thu nhập giảm đi hơn một nửa. Bây giờ chỉ mong sao sớm mở lại dịch vụ vận chuyển khách thì bọn em mới đủ sống”.
Nhiều người sẵn sàng mở ứng dụng cho xem thu nhập mỗi ngày. Theo đó, nhiều shipper chạy đơn từ sáng sớm đến tận 10h đêm mà chỉ được trên 100 ngàn đồng/ngày. Lý giải điều này, một shipper cho hay: “Khi mở cửa trở lại, nhiều người thất nghiệp và sinh viên đều đổ xô đi chạy xe ôm, shipper công nghệ. Lượng người tham gia đông trong khi chưa được chở khách khiến việc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn rất nhiều. Chưa kể giá xăng tăng cũng làm cho việc chạy xe gặp nhiều khó khăn. Mỗi cuốc nhận được, tôi đều phải lên ứng dụng bản đồ tìm kiếm quãng đường sao cho ngắn nhất để tiết kiệm chi phí”.
Họ, từng người lần lượt đưa điện thoại cho chúng tôi xem, thu nhập của ai cũng dưới 200 ngàn đồng dù đã chiều muộn. “Chỉ cần đứng ở đây một ngày thôi là biết lượng khách thế nào. Ngồi cầm điện thoại chỉ mong có thông báo từ ứng dụng để được chạy đi thôi”, một tài xế cho biết.
Trước những dự báo sắp tới giá xăng sẽ còn tiếp tục tăng, những tài xế chỉ biết lắc đầu: “Thôi được ngày nào, hay ngày đấy!”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cơ bản do sự phục hồi của nền kinh tế cũng như sự khủng hoảng về điện trên thế giới khiến giá than tăng, nên giá dầu cũng sẽ theo đà tăng mạnh. Theo dự đoán, thời gian sắp tới giá xăng dầu hoặc sẽ tiếp tục tăng lên hoặc ổn định ở mức cao như hiện nay chứ khó giảm. Giá xăng dầu tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.