Lẽ ra, các doanh nghiệp viễn thông phải có nghĩa vụ chủ động ngăn chặn, xử lý tin nhắn và cuộc gọi rác đến các chủ thuê bao di động, bởi khách hàng là Thượng Đế. Vậy mà khách hàng muốn không bị làm phiền lại phải “xin” bằng cách đăng ký với nhà mạng.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định 91/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp viễn thông bắt buộc phải có biện pháp ngăn chặn triệt để tất cả các tin nhắn và cuộc gọi rác tới những số điện thoại có trong “danh sách không quảng cáo” (Donotcall, được quy định tại Khoản 1, Điều 7). Điều đó có nghĩa, những ai không muốn bị làm phiền thì buộc phải “cầu xin” các nhà mạng bằng cách gửi tin nhắn đăng ký tới đầu số 5656.
Theo lẽ thông thường, các nhà mạng là người bán hàng, các chủ thuê bao di động là người mua hàng. Lẽ ra người bán dịch vụ không được phép gây phiền hà cho người sử dụng dịch vụ. Song, thực tế thì khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông lại không được đòi hỏi quyền của “Thượng Đế”, mà buộc phải chấp nhận những quy định, luật lệ do các nhà mạng đưa ra. Cung cách bán dịch vụ vẫn theo kiểu xin – cho như thời bao cấp.
Đó chính là lý do mà các nhà mạng tha hồ cung cấp các đầu số dịch vụ quảng cáo, thả lỏng các tin nhắn và cuộc gọi rác làm khổ khách hàng. Hàng “tỷ lần”, không chỉ có các doanh nghiệp viễn thông mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã đưa ra lời hứa rằng sẽ kiên quyết ngăn chặn tin nhắn và cuộc gọi rác, sẽ xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nào vi phạm. Song, tất cả chỉ dừng ở... lời hứa suông.
Dù đau đầu với tin nhắn và cuộc gọi rác, các chủ thuê bao di động vẫn nhẫn nại chịu đựng với hy vọng một ngày nào đó doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện lời hứa của mình. Vậy nên khi Nghị định 91 ra đời, hầu hết khách hàng của các nhà mạng lớn đều khấp khởi mừng thầm rằng đã “khổ tận, cam lai”, có lẽ từ sau ngày 1/10 (thời điểm Nghị định 91 có hiệu lực thi hành), sẽ không còn bị làm phiền nữa.
Song, mọi việc lại không hề đơn giản như vậy. Theo quy định của Nghị định 91, cá nhân, tổ chức không được phép gửi tin nhắn và cuộc gọi rác tới các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Các doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ ngăn chặn triệt để các loại tin nhắn và cuộc gọi rác tới những số điện thoại này. Điều đó có nghĩa các chủ thuê bao chưa “xin” nhà mạng thì vẫn sẽ tiếp tục bị làm phiền bởi tin nhắn rác.
Về nguyên tắc, người dân, doanh nghiệp được phép làm những việc pháp luật không cấm. Trong trường hợp cụ thể này, chỉ có những số nằm trong danh sách không quảng cáo mới là những số điện thoại “bất khả xâm phạm”, không được phép gửi tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo. Theo đó, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn “có quyền” gửi tin nhắn và cuộc gọi rác đến các số thuê bao di động không nằm trong danh sách trên.
Dư luận cho rằng, đây có thể là lỗ hổng vô tình khi xây dựng Nghị định, song cũng không loại trừ khả năng đây là kẽ hở được chừa lại cho các doanh nghiệp viễn thông tận dụng làm ăn. Ai cũng biết, nếu triệt để ngăn chặn tin nhắn và cuộc gọi rác, các doanh nghiệp viễn thông sẽ bị “ế” rất nhiều đầu số dịch vụ, cũng như giảm đà tăng trưởng thuê bao di động, ảnh hưởng tới doanh thu, lợi lộc cũng theo đó mà bị hao hụt không ít.
Từ việc quy định “danh sách không quảng cáo” của Nghị định 91, chợt nhớ lại việc liệt kê các loại thức ăn chăn nuôi được phép sử dụng tại Thông tư 02 của Bộ NNPTNT cách đây hơn 1 năm. Tại Thông tư này, thay vì liệt kê các loại thức ăn chăn nuôi bị cấm, cơ quan soạn thảo đã liệt kê danh sách các loại thức ăn được phép sử dụng. Làm sao Bộ NNPTNT có thể liệt kê được hết các loại thức ăn chăn nuôi trong dân gian đây?
Trở lại câu chuyện ngăn chặn tin nhắn và cuộc gọi rác của Nghị định 91. Thay vì lập “danh sách có quảng cáo”, văn bản này lại cho phép doanh nghiệp viễn thông lập “danh sách không quảng cáo”. Hầu hết các chủ thuê bao di động, khách hàng của các nhà mạng đều không muốn bị làm phiền bởi tin nhắn và cuộc gọi rác, tại sao không lập danh sách có quảng cáo để những người có nhu cầu nhận thông tin quảng cáo đăng ký sử dụng?
Nếu lập danh sách có quảng cáo, đương nhiên những chủ thuê bao di động không nằm trong danh sách này sẽ không bị cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp làm phiền bởi tin nhắn và cuộc gọi rác. Còn số ít người có nhu cầu nhận thông tin quảng cáo sẽ phải đăng ký để sử dụng dịch vụ này. Song, thay vì quy định như vậy để có lợi cho số đông khách hàng, văn bản trên lại “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp viễn thông. Vì vậy, chủ thuê bao di động của các nhà mạng nếu không muốn bị làm phiền thì hãy “cầu xin” nhà mạng.