Tình trạng các khu công nghiệp ở miền Bắc nhiều lần bị cúp điện đột ngột trong tháng 6 gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Người dân nhiều nơi cũng bị cắt điện luân phiên, nên rất bức xúc.
Giật mình khi người đại diện của Công ty Canon Việt Nam (khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) nói với truyền thông: “Trừ một số ít năm có thời tiết mát mẻ, trong gần 23 năm qua, kể từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 2001, Canon luôn phải đối diện nguy cơ mất điện trong khi sản xuất, đặc biệt vào cao điểm mùa hè tháng 6”. Còn Công ty TNHH Peony (khu công nghiệp VSIP Từ Sơn, Bắc Ninh) lại đưa ra con số: Năm 2022, tại doanh nghiệp đã xảy ra 8 lần nhảy điện, mất điện không được thông báo trước. Mỗi ngày cúp điện doanh nghiệp tốn thêm hàng chục triệu đồng tiền nhiên liệu và thuê máy phát điện.
Trước nay, chúng ta vẫn nói chuyện “dọn ổ chờ đại bàng”, nghĩa là chuẩn bị điều kiện để các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam hợp tác đầu tư. Tất nhiên chúng ta đã làm được nhiều việc, đã “trải thảm đỏ”, đơn giản hóa, thông thoáng điều kiện đầu tư. Nhưng, nếu như điện không bảo đảm cho sản xuất thì có lẽ “đại bàng” cũng khó về. Trong trường ca Mặt đường khát vọng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết: “Cây khế chua có đại bàng đến đậu/Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta”. Nhưng phải chăng câu chuyện “đại bàng” lại trở nên diệu vợi cũng chỉ vì điện “phập phù”.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng để khắc phục phần nào tình trạng thiếu điện, góp phần giải tỏa áp lực thiếu điện, cần cho phép phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà sử dụng tại chỗ, không phát điện lên lưới. Tuy nhiên được biết Bộ Công thương vẫn chưa ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới để triển khai thực hiện. Đây cũng là việc thực hiện chính sách “tín dụng xanh”. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp sản xuất có thể tìm nguồn vốn đầu tư điện mặt trời mái nhà để tự dùng, giảm tải được đáng kể cho nguồn điện lưới vào ban ngày. Nếu đầu tư thêm bộ lưu điện thì nguồn điện mặt trời có thể trữ lại để dùng cho cả ban đêm.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có chính sách hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà để doanh nghiệp tham gia tự sản xuất điện. Giải pháp này vừa có lợi cho sản xuất giúp giảm tải nguồn điện truyền thống, vừa phát triển năng lượng tái tạo cho nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải mà Chính phủ đang thúc đẩy.
Còn nhớ, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, nói về việc thiếu điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã nói: “Thay mặt Bộ Công thương, tôi xin chia sẻ khó khăn của một số doanh nghiệp, cũng như sự bất tiện, nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt, trong cuộc sống hằng ngày, nhưng đây chỉ là trong một thời gian nhất định thôi”.
Ghi nhận, nhưng hóa ra tình trạng thiếu điện ở miền Bắc vẫn cứ kéo dài suốt 2 tháng qua.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết Bộ này đã khẩn trương hoàn tất đàm phán với chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đủ điều kiện theo quy định để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia; đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cao điểm nắng nóng.
Nhưng đến nay, việc đàm phán mua điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời, điện gió vẫn chưa thông suốt. Nhiều doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời cho biết họ đã đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh, nay lại “mắc kẹt”, nguy cơ phá sản. Trong khi điện vẫn thiếu, thì đó là việc rất đáng suy nghĩ và phải trả lời đúng vào bản chất câu hỏi: Vì sao lại như vậy?