“Trong cuộc sống hàng ngày bố mẹ luôn nghĩ rằng những điều tốt đẹp nhất mình đã dành cho con rồi. Nhưng thực tế đó lại không phải là điều con muốn. Một câu hỏi rất chạm là: “Bố mẹ có hoàn toàn lắng nghe con hay không?”. Điều này mình chưa làm được.”
Đó là chia sẻ của chị Đặng Thị Phúc (Sóc Sơn – Hà Nội) sau khi trải nghiệm hoạt động trắc nghiệm mang tên “Yêu thương và thấu hiểu” trong Ngày hội “Dạy con trong hạnh phúc” vừa diễn ra tại trường Phổ thông Liên cấp Đa trí tuệ (Cầu Giấy, Hà Nội).
Chị Phúc cho biết sau buổi trải nghiệm hôm nay, chị sẽ có kế hoạch dành thời gian chất lượng nhiều hơn cho con mình. “Gia đình cũng sẽ có những buổi ngồi lại với nhau để chia sẻ, thấu hiểu nhau nhiều hơn”, chị Phúc nói.
Tương tự với các bạn nhỏ, câu hỏi được đặt ra là; Cha mẹ có bao giờ hiểu lầm con chưa, cha mẹ có tôn trọng ý kiến và sở thích của con không, cha mẹ có hay chê con trước mặt người khác không, cha mẹ có quan tâm đến những chuyện ở lớp mà con kể cho cha mẹ nghe không?... Những bước chân giữa cha mẹ và các con cứ dần xa nhau sau mỗi câu hỏi trắc nghiệm.
Ngày hội “Dạy con trong hạnh phúc” thu hút sự tham gia của gần 500 bậc phụ huynh cùng các con đến từ nhiều tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Ninh Bình… Sự kiện diễn ra với nhiều hoạt động gắn kết giữa cha mẹ và con cái như: Các trò chơi gắn kết, hoạt động tập thể Yoga cười, talk show với các chuyên gia nuôi dạy con…
Đây là sự kiện kỷ niệm 3 năm thành lập group Dạy con trong hạnh phúc – tiền thân của Seroto Foundation - tổ chức giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận, hướng đến xây dựng nền giáo dục thực sự hạnh phúc dựa trên trí tuệ và tình yêu thương thuần khiết thông qua phương pháp thực hành trí tuệ cảm xúc, xây dựng mô hình cộng đồng sống tỉnh thức và thuận tự nhiên.
Phần chia sẻ của sinh viên Nguyễn Thị Oanh mang đến sự xúc động cho tất cả những người tham gia. Oanh là một người con của Khát vọng – một tổ chức xã hội đã đồng hành cùng hơn 400 trẻ mồ côi trong suốt 10 năm qua.
Oanh kể về câu chuyện bị bỏ rơi, tưởng chừng cuộc đời đi vào ngõ cụt và phải bỏ dở việc học giữa chừng thì phép màu đã đến khi về với Khát vọng. Từ một đứa bé tự ti không muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài, bị kỳ thị bởi những người xung quanh, Oanh đã thoát ra khỏi vỏ bọc bản thân để vươn lên nỗ lực từng ngày, giành được học bổng “Trái tim sư tử” 100% (mỗi năm toàn quốc chỉ có một suất) và hiện đang là sinh viên năm 2 Đại học Anh quốc BUV tại Việt Nam.
“Em nghĩ rằng, những đứa trẻ may mắn là những đứa trẻ dùng cả tuổi thơ để chữa lành quá trình trưởng thành của bản thân. Nhưng với những đứa trẻ thiếu may mắn như chúng em thì dùng quá trình trưởng thành để chữa lành những rạn nứt trong tuổi thơ”, Oanh nói.
Nhiều giáo viên đến từ các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội cũng tới tham dự. Bà Lê Thanh, Hiệu trưởng trường Mầm non Golden Kids (Long Biên, Hà Nội) cho biết bà cùng các đồng nghiệp đến với Ngày hội “Dạy con trong hạnh phúc” như một buổi học chuyên môn.
“Tất cả đồng nghiệp của mình hôm nay chứng kiến trải nghiệm thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái đều đã khóc. Mình cũng đặt vào vị trí của mình với đồng nghiệp, và với cha mẹ mình. Thay vì học tại trường, chúng tôi đến đây trải nghiệm để học làm những thầy cô giáo hạnh phúc và những cha mẹ hạnh phúc”, bà Thanh nói.
Bà Vũ Thị Dung - (nhà sáng lập quỹ Khát vọng – tổ chức xã hội đồng hành cùng hơn 400 trẻ mồ côi) chia sẻ: "Đến với ngày hội hôm nay thực sự tôi thấy rất bình an, ấm áp. Hạnh phúc trong một đại gia đình lớn của những người làm cha mẹ. Vì một sự quan tâm chung, vì những sứ mệnh thiêng liêng mà vũ trụ đã trao tặng cho chúng ta việc chăm sóc, nuôi dạy những đứa con trong bình an, hạnh phúc.
Nhìn cảnh các cha mẹ quan tâm đến con, cũng như chia sẻ từ các diễn giả về một chủ đề ý nghĩa, chúng tôi tìm thấy sự kết nối với nhau, sự đồng điệu, sự thấu hiểu."