Cha mẹ - chỗ dựa tinh thần cho con

Lam Nhi (thực hiện) 26/04/2023 07:00

Trong những cuộc trò chuyện về bạo lực học đường, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từng chia sẻ về nỗi ám ảnh của chính mình khi là một nạn nhân của bạo hành. Theo bà Hương, việc một đứa trẻ bị đánh đập, dọa nạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý.

TS Vũ Thu Hương.

PV: Hàng loạt vụ việc bạo lực học đường đã xảy ra thời gian qua dù ngành giáo dục, nhà trường và xã hội liên tiếp có những cảnh báo cũng như nỗ lực để ngăn chặn. Rất nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng về việc mình cần làm gì để ngăn chặn điều này xảy ra với con mình, thưa bà?

TS Vũ Thu Hương: Theo tôi, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con để hiểu mỗi ngày của trẻ đang diễn ra thế nào, có gì khó khăn cần cha mẹ tư vấn hay không. Phải để trẻ cảm thấy cha mẹ chính là chỗ dựa tinh thần cho con, để cho con trút hết tâm tư suy nghĩ, bực bội.

Trong trường hợp con có nguy cơ bị bắt nạt hoặc đã bị bắt nạt ở trường học hoặc trên mạng, cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ? Đâu là những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể vượt qua việc bị bắt nạt bởi rõ ràng, cha mẹ không thể ở bên con 24/24 giờ, thưa bà?

- Để có thể đối mặt và vượt qua việc bị bắt nạt, trước hết cần trang bị cho con một sức khỏe tâm lý vững vàng. Dạy con nâng cao năng lực số để quản lý hành vi bắt nạt trên không gian mạng. Dạy kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề cho con. Dạy kỹ năng ứng phó với bạo lực trực tiếp (bình tĩnh và tự tin, nói dừng lại, nếu đi quá giới hạn sẽ báo cáo; tự bảo vệ bản thân, tìm kiếm sự giúp đỡ xung quanh, ghi lại chứng cứ) và trực tuyến một cách đúng đắn.

Đó là góc nhìn với những học sinh bị bắt nạt. Đối với những học sinh gây ra việc bắt nạt, có nhiều biện pháp để xử lý, uốn nắn, giáo dục trẻ. Trong đó, có quy định không được đuổi học học sinh khi vi phạm, chỉ được tạm dừng việc học tập trong một thời gian. Bà nhìn nhận thế nào về quy định này?

- Việc đuổi học không phải thiếu nhân văn như mọi người vẫn suy nghĩ. Vì ngoài trường học, còn rất nhiều các cơ sở giáo dục khác để hỗ trợ các em chứ không phải đuổi học nghĩa là đẩy các em ra đường. Mọi người cần hiểu rõ sau trường phổ thông chúng ta có các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, các lớp bổ túc văn hóa… Tất cả những nơi đó phù hợp với các em hơn với các thầy cô giáo có chuyên môn xử lý các trường hợp này, còn giáo viên phổ thông chưa được đào tạo để xử lý các trường hợp quá đặc biệt. Đấy chính là điều cộng đồng, gia đình cần hiểu rõ.

Tuy nhiên, để giải quyết rốt ráo việc này, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến các em trở nên như vậy. Để “kéo” được học sinh trở lại, giáo viên phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, có nhiều trường hợp các em bất mãn với hoàn cảnh của mình, với giáo viên, bạn bè, đặc biệt là cha mẹ. Nếu hiểu rõ hoàn cảnh của các em, nên xử lý trong thời gian các em nghỉ học, không phải trong thời gian quay trở lại lớp. Khi đó các em sẽ có xu hướng tiếp nhận việc xử lý đó trong thời gian bị phạt hơn là khi đã trở lại trường học. Các em có quyền lựa chọn trở thành những con người như thế nào khi chúng ta được đặt trong vị trí được quyền lựa chọn. Lúc đó hành vi của người lớn, suy nghĩ, quan điểm của chúng ta sẽ thay đổi. Đừng áp đặt những bức xúc với học sinh.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cha mẹ - chỗ dựa tinh thần cho con

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO