Chấm điểm khu du lịch: Dồi dào tài nguyên, nghèo nàn sản phẩm

Minh Quân 22/05/2017 08:05

Nằm trong kế hoạch triển khai các tiêu chí trong “Bộ tiêu chí cho các điểm đến du lịch”, Tổng cục Du lịch (TCDL - Bộ VHTT&DL) vừa tiến hành chấm điểm tại các khu, điểm du lịch gồm Vườn quốc gia Ba Bể, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu du lịch thác Bản Giốc. Tại những điểm đến nói trên, các chuyên gia đều có chung đánh giá: tài nguyên du lịch phong phú, nhưng sản phẩm du lịch vẫn nghèo nàn.

Khu du lịch thác Bản Giốc một trọng những điểm đến vừa được chấm thí điểm theo Bộ tiêu chí cho các điểm đến du lịch.

Dịch vụ du lịch sơ sài

Theo đó, cách chấm điểm các khu, điểm đến do Bộ VHTT&DL ban hành được quy định đánh giá với những tiêu chí cụ thể, được lượng hóa với 32 tiêu chí, 6 nội dung dành cho khu du lịch quốc gia; 29 tiêu chí, 6 nội dung đối với điểm du lịch quốc gia.

Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất trang thiết bị, chất lượng nguồn nhân lực, đánh giá sự tham gia của cộng đồng địa phương, đánh giá sự hài lòng của du khách khi đến với các điểm đến này…

Lần thực địa này, các chuyên gia đã đánh giá, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch.

Tuy nhiên sản phẩm và dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, quầy thông tin không có, quản lý điểm đến, nhất là vệ sinh môi trường, xử lý rác thải chưa tốt…

Tương tự, tại Vườn quốc gia Ba Bể, tài nguyên du lịch cũng được đánh giá là rất đa dạng và độc đáo, sức chứa lớn, việc bảo vệ và tôn tạo tài nguyên tốt nhưng sản phẩm và dịch vụ du lịch rất kém, trung tâm thông tin và thuyết minh không có, cơ sở phục vụ và dịch vụ vui chơi giải trí không có, chưa có dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo; đặc biệt việc đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý rác thải rất kém, chưa có nhà vệ sinh công cộng nào; cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, không thể đảm bảo việc đón hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm.

Đặc biệt, hiện có hàng loạt bất cập trong việc quản lý và phát triển du lịch ở Vườn quốc gia Ba Bể khi việc bán vé tham quan chưa quản lý chặt chẽ dẫn đến mất nguồn thu lớn và thất thoát thu thuế, lệ phí.

Ban quản lý bến xuồng do UBND huyện Ba Bể thành lập, trực tiếp quản lý, khai thác bến xuồng hiện nay do Vườn quốc gia Ba Bể quản lý.

Song hiện tại đang xảy ra tình trạng dân không chấp hành quy định vì Ban quản lý thiếu quyền lực thực tế và điều kiện cơ sở vật chất bến bãi chưa đảm bảo.

Không có sản phẩm đặc trưng

Từ báo cáo sơ bộ ban đầu trên, có thể thấy điều lo ngại nhất hiện nay là tư duy làm du lịch “mạnh ai nấy làm”. Tỉnh nào cũng muốn quảng bá di sản, danh thắng, trong khi hầu như không quan tâm tới dịch vụ, nơi lưu trú cũng như những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Khách háo hức đến thăm, ngắm nghía, chụp ảnh rồi đi, chẳng có gì để mua sắm, tiêu tiền và cũng chẳng có gì ấn tượng, lưu luyến để quay trở lại. Một di sản có khi nằm giữa nhiều tỉnh nhưng không có sự phối hợp, thống nhất trong liên kết vùng dẫn đến dẫm chân lên nhau, cạnh tranh khai thác.

Nhìn nhận về thực trạng này, TS. Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thẳng thắn cho rằng: Kiểu cách làm cũ như vậy thì rất khó tạo ra sức hút.

Ngành du lịch đã tạo sân chơi để các doanh nghiệp, địa phương giới thiệu sản phẩm của mình, thì cơ quan quản lý ngành cần hỗ trợ địa phương chuyên môn nghiệp vụ quảng bá điểm đến, gắn kết địa phương với doanh nghiệp mạnh mẽ hơn thời gian tới. Nếu để tình trạng này tái diễn sẽ gây lãng phí.

Cũng theo ông Tuấn, các địa phương phải có được sản phẩm khác biệt, độc đáo. Khi đã có sản phẩm, phải dùng các công cụ truyền thông, phương tiện hiện đại để giới thiệu, tạo sức hút.

Được biết, sau việc đánh giá và chấm điểm thí điểm một số điểm đến trên địa bàn toàn quốc do TCDL vừa tiến hành, Sở Du lịch, Sở VHTT&DL các tỉnh/ thành phố sẽ phổ biến và áp dụng rộng rãi Bộ tiêu chí đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn để định hướng công tác đầu tư, phát triển dịch vụ, quản lý... đảm bảo tính chuyên nghiệp.

Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu của địa phương, áp dụng Bộ tiêu chí để tổ chức đánh giá, tôn vinh các khu, điểm du lịch trên địa bàn; nâng cao hình ảnh điểm đến Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước.

Hằng năm, việc chấm điểm đánh giá ở các khu, điểm du lịch được tổng kết, trong quá trình đánh giá thực tế, báo cáo thực hiện của các địa phương khi áp dụng Bộ tiêu chí có gì bất cập, TCDL sẽ rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.

Dẫu thế, vẫn còn những băn khoăn đang đặt ra giữa việc đánh giá, chấm điểm và những định hướng cụ thể trong khắc phục những điểm yếu. Đơn cử như để có sản phẩm du lịch mới thì điều cần thiết nhất phải có người tìm hiểu, nghiên cứu, thăm dò thị trường, quảng bá. Nhưng hiện nay không nhiều doanh nghiệp lữ hành chịu bỏ công khảo sát, quảng bá; sau đó bị cạnh tranh với giá rẻ hơn.

Điều đó giải thích tại sao Việt Nam có nhiều tiềm năng, tài nguyên, nhưng không có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng. Nhằm hạn chế tình trạng sao chép sản phẩm; tạo uy tín và chất lượng cho sản phẩm dịch vụ du lịch hiện nay, cơ quan quản lý cần có chế tài, bảo hộ cho sản phẩm du lịch, việc mà lâu nay ít được quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấm điểm khu du lịch: Dồi dào tài nguyên, nghèo nàn sản phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO