Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội: Cần chế tài mạnh

Lê Bảo 12/09/2023 07:21

Tình trạng chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài của các doanh nghiệp hiện nay đã ở mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, gây khó khăn cho cơ quan BHXH và cơ quan quản lý lao động.

Cần các chế tài đủ mạnh xử lý vấn đề bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Trốn đóng 10.000 tỷ đồng mỗi năm

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi là 15.797 tỷ đồng, chiếm 3,3% số tiền phải thu. Trước đó trong giai đoạn 2016-2021, cả nước có 538 doanh nghiệp (DN) trốn đóng BHXH trên 10 năm; hơn 4.200 DN trốn đóng trên 5 năm.

Tiền chậm đóng BHXH tăng dần, bình quân 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Riêng khoản chậm đóng từ 3 năm trở lên chiếm 34% tổng số chậm, trốn đóng của các DN. Nợ xấu khó thu hồi ngày càng nhiều, theo đó năm 2020 là gần 2.600 tỷ đồng (22%), gấp 1,6 lần so với năm 2016. Những con số này cho thấy tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH bắt buộc đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) tại nhiều DN.

Tại Hà Nội, mới đây BHXH thành phố vừa công khai danh sách với hơn 54.000 tổ chức, DN nợ BHXH trên địa bàn theo số liệu thống kê hết ngày 31/7/2023. Điều đáng nói, trong danh sách này, nhiều DN, tập đoàn được coi là uy tín cũng góp mặt.

Tương tự tại Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 31/7/2023, tỉnh này có hơn 2.900 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền hơn 255 tỷ đồng, chiếm 6,82% so với kế hoạch giao thu. Trong đó, riêng tiền nợ khó thu hồi tại DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là 273 đơn vị với số tiền gần 33 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng chậm đóng, trốn đóng là vì nhận thức của một số DN chưa đầy đủ về việc thực hiện đóng nộp BHXH hàng tháng. Tình trạng DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, một số DN phải hoạt động cầm chừng, làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ đọng kéo dài...

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ), từ năm 2021 đến nay, mỗi năm đoàn giám sát liên ngành cấp trung ương do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 DN thuộc 4 - 6 tỉnh, thành phố. Tình trạng các DN chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH. Điều này khiến quyền lợi của NLĐ không được đảm bảo.

Cũng theo ông Hiểu, mặc dù danh chính ngôn thuận công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH của NLĐ nhưng việc triển khai của tổ chức công đoàn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Từ năm 2015 đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa 189 vụ tranh chấp ra khởi kiện, trong đó có 29 vụ đã hòa giải thành công, 1 vụ tạm đình chỉ, 77 vụ tòa án xem xét thời hiệu khởi kiện, một số vụ khác tòa án không có văn bản trả lời. Nguyên nhân là do việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự, trong khi các đạo luật có sự mâu thuẫn nhau.

Siết chặt chế tài xử lý

Thực tế cho thấy, mặc dù cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều giải pháp trong công tác thu, nhưng tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Không ít trường hợp cả DN và NLĐ cùng lợi dụng các kẽ hở của luật pháp để né tránh đóng BHXH.

Do đó, Dự án Luật BHXH sửa đổi đề xuất cơ quan có thẩm quyền ngừng sử dụng hóa đơn với DN trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng, cơ quan BHXH sẽ kiến nghị khởi tố. Chủ tịch cấp tỉnh có thể áp dụng chế tài khác với hành vi trốn đóng BHXH tại địa phương.

Đề xuất giải pháp hạn chế chậm đóng, nợ BHXH, ông Nguyễn Văn Phụng- nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, quy định về chế tài xử lý vi phạm đóng BHXH bắt buộc cũng phải thật rõ và đúng về hành vi (trốn đóng BHXH khác với chậm đóng). Trên cơ sở đó mới quy định, phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý và biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý.

Theo đó, với hành vi trốn đóng cần áp dụng các chế tài mạnh như: Truy thu đủ số tiền trốn đóng BHXH; phạt số tiền theo từng lần khi xảy ra hành vi trốn đóng hoặc tỷ lệ % số tiền trốn đóng bị phát hiện; và tiền chậm nộp 0,03% mỗi ngày tính trên số tiền BHXH đã chiếm dụng, chậm đóng do trốn đóng BHXH nay bị phát hiện. Ngoài ra, các biện pháp như quyết định tạm ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, khởi tố hình sự đối với người đại diện, người được ủy quyền theo pháp luật của DN cũng có thể được quy định để áp dụng xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đề xuất, cần kiên quyết, nghiêm túc trong tổ chức thực thi mới có thể đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội: Cần chế tài mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO