Sáng 28/5 tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH và Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Dự thảo Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐTB&XH cho biết, năm 2015 ILO đã khởi động quá trình xây dựng một bộ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới về bạo lực và quấy rối trong công việc. Sau khi công ước mới này của ILO được thông qua, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn.
Chia sẻ về tính tương thích giữa pháp luật Việt Nam với Công ước ILO, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho biết, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Nội quy lao động bắt buộc phải quy định nội dung về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Người lao động khi bị quấy rối tình dục có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước…
Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng và chống bạo lực và quấy rối tình dục, bà Andrea Prince - chuyên gia Luật Lao động, ILO Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi và bổ sung những quy định mới về bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cho thấy Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực chống lại quấy rối tình dục tại nơi làm việc, với việc lần đầu tiên đưa vào luật định nghĩa về quấy rối tình dục. Tuy nhiên cần có giải pháp thực thi mạnh mẽ và những hình phạt thích hợp. Thêm vào đó, quấy rối tình dục luôn có đất để xảy ra phổ biến hơn ở những nơi có sự mất cân bằng giới. Do vậy, mặc dù việc đưa ra định nghĩa là một bước tiến quan trọng, pháp luật cần phản ánh những yêu cầu và quyền bình đẳng tại tất cả các điều khoản.
Theo Báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ LĐTB&XH thực hiện, chiếm phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và độ tuổi của các nạn nhân này từ 18 đến 30.