Bên cạnh những địa phương đã và đang triển khai học trực tuyến, trực tiếp hoặc học qua truyền hình, một số địa phương có quyết định điều chỉnh thời gian tựu trường năm học 2021-2022. Học sinh sẽ tiếp tục được an toàn bên trong ngôi nhà của mình. Việc dạy và học sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để có phương án phù hợp.
Lùi thời gian tựu trường, chuẩn bị điều kiện dạy học mới
Học sinh tỉnh Hậu Giang năm học này sẽ khai giảng vào ngày 12/9 thay vì 5/9 như lịch khai giảng truyền thống. Cà Mau hiện đã tạm dừng khai giảng chờ thông báo mới.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Kiên Giang cho biết, do dịch bệnh phức tạp, để bảo đảm an toàn cho học sinh và chất lượng giảng dạy, ngành giáo dục tỉnh quyết định sử dụng trước 2 tuần dự phòng để lùi lịch dạy và học chính thức vào ngày 20/9 tại trường. Nếu sau 20/9, tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, Sở GDĐT đề nghị các trường triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh. Riêng 20% học sinh vùng khó khăn, thiếu thiết bị thông minh, thầy cô sẽ in phiếu bài, gửi cho các em.
Tại Cần Thơ, học sinh lớp 9 và 12 bắt đầu học kỳ I từ 6/9. Học sinh lớp 6, 7, 8, 10 và 11 sẽ bắt đầu từ 13/9. Riêng giáo dục thường xuyên bắt đầu học kỳ I từ 20/9. Dự kiến ngày 20/9 sẽ bắt đầu dạy trực tiếp học kỳ I năm học 2021-2022 đối với bậc mầm non, tiểu học. Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, thành phố có thể điều chỉnh thời gian sau 20/9 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tại Thanh Hóa, có những địa bàn đã triển khai dạy học trực tuyến nhưng cũng có địa bàn như thị xã Nghi Sơn lại tạm dừng khai giảng năm học và các hoạt động giáo dục tập trung tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong thời gian 1 tuần (từ ngày 6/9 đến ngày 13/9). Sau ngày 13/9, căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, UBND thị xã Nga Sơn sẽ có thông báo sau. Địa phương này cũng cân nhắc về việc tổ chức dạy học trực tuyến với số đông học sinh và gia đình trên địa bàn là không đủ điều kiện để thực hiện, sẽ không đảm bảo chất lượng dạy học nếu áp dụng cho chương trình chính khóa.
Vì vậy, trong thời gian nghỉ dịch hiện nay, các cơ sở giáo dục từ cấp Tiểu học trở lên, căn cứ điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương, điều kiện học tập của học sinh để cân nhắc lựa chọn các hình thức tổ chức phù hợp: Dạy học trực tuyến, hướng dẫn học trên truyền hình hoặc gửi phiếu hướng dẫn học tập, nhằm giúp học sinh ôn tập kiến thức cũ; làm quen với Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
“Lớp học ảo” mà không ảo
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, trước khi vào năm học 2021-2022, Bộ GDĐT đã cùng với các địa phương bàn kỹ về vấn đề trọng tâm, đó là làm sao để linh hoạt, chủ động sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp, công cụ, công nghệ để tổ chức dạy học, thích ứng trong điều kiện dịch bệnh có thể kéo dài, diễn biến phức tạp.
Trong đó, với nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội thì cần khai thác các phương tiện khác nhau. Trong đó có học liệu điện tử, dạy học trên truyền hình, tổ chức lớp học ảo, dạy học từ xa… Các địa phương, cơ sở giáo dục có thể vận dụng bài giảng trên điện tử. Hiện Bộ GDĐT đã chuẩn bị kho học liệu lớn, kết nối trên YouTube và Hệ tri thức Việt số hóa.
Riêng với lớp 1, đã có video bài học môn Tiếng Việt và Tiếng Anh và được phát trên các kênh truyền hình. Với học liệu đó, nơi nào không có điều kiện, thầy cô có thể gửi cho học sinh qua email, Zalo… kèm theo hướng dẫn. Các địa phương có thể sử dụng tài nguyên này để phát trên đài truyền hình địa phương.
Ông Phí Hữu Quynh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh) cho biết dạy học trực tuyến liên quan đến thiết bị thông minh, do vậy các trường chủ động phân công chuyên môn, hướng dẫn giáo viên rà soát, phân loại các điều kiện học tập trực tuyến của học sinh theo 3 nhóm. Nhóm 1 gồm học sinh đủ thiết bị học trực tuyến, luôn có phụ huynh hỗ trợ; nhóm 2 là những học sinh đủ thiết bị học trực tuyến nhưng cha mẹ không có thời gian cùng học với con; nhóm 3 là học sinh không thể học trực tuyến để thiết kế nội dung bài học phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo không học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Sẽ có những hình thức học qua truyền hình, qua phiếu bài tập… phù hợp với học sinh không có điều kiện về đường truyền, thiết bị đòi hỏi giáo viên phải sâu sát, quan tâm tới từng học sinh, nắm bắt hoàn cảnh gia đình các em.