Cùng với các chương trình chăm lo Tết cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn thì việc thưởng Tết cho người lao động cũng được nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh có phần khó khăn.
Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, hiện hơn 300 doanh nghiệp báo cáo về tình hình chăm lo Tết và thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng thấp nhất dịp Tết Nguyên đán năm nay doanh nghiệp báo cáo là 1 tháng lương/người.
Mong muốn tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vui xuân, đón Tết rất nhiều doanh nghiệp, quận – huyện và các đoàn thể trên địa bàn TP. HCM nỗ lực hỗ trợ, chăm lo Tết với nhiều hoạt động thiết thực.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. HCM cho biết, tính đến nay Liên đoàn Lao động thành phố đã vận động 37 ngàn vé tặng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết từ nguồn các doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, bà Yến khẳng định, các doanh nghiệp, quận – huyện thực hiện khá tốt công tác trên.
Năm nay, các công ty may mặc, da giày trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 9 đã công bố sớm ngày nghỉ Tết cho công nhân, theo đó công nhân được nghỉ Tết ít nhất 7 ngày, thưởng Tết 1 tháng lương thực lãnh. Nếu công nhân nào đã mua vé tàu xe sớm hoặc có việc ở quê sẽ được các công ty giải quyết cho nghỉ không lương để về sớm. Theo đó, quận 9 tổ chức chương trình “Tấm vé nghĩa tình” tặng vé xe cho đoàn viên, cán bộ, công nhân 3 năm liền chưa về quê đón Tết.
Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân (Thành Đoàn TP. HCM) cho biết, phát huy tinh thần tương thân tương ái của các năm trước, năm nay đơn vị tiếp tục tổ chức chăm lo Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Công tác chăm lo Tết Nguyên đán cho công nhân dựa trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu vé xe của các đơn vị để tổ chức chương trình “Chuyến xe Thanh niên công nhân về quê đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018”. Thanh niên công nhân viên chức và người lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố thuộc đối tượng trên.
Ngoài chăm lo Tết cho công nhân bằng chương trình hỗ trợ vé xe về quê đón Tết, hàng loạt chương trình khác cũng được phát động. Các quận – huyện yêu cầu tất cả Công đoàn cơ sở trực thuộc bám sát tình hình đời sống, việc làm của người lao động tại đơn vị mình và lập danh sách công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gửi về Liên đoàn Lao động quận. Trong đó, chú ý các trường hợp nữ công nhân bị mất việc làm, đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi nhưng chưa tìm được chỗ làm mới, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo,… Đặc biệt, Liên đoàn Lao động thành phố cùng quận – huyện cũng thực hiện chăm lo cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở lại thành phố đón Tết.
Song song các chương trình hỗ trợ thiết thực, việc thưởng Tết cho người lao động cũng được doanh nghiệp thực hiện tốt, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh có phần khó khăn. Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, hiện hơn 300 doanh nghiệp báo cáo về tình hình chăm lo Tết và thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng thấp nhất dịp Tết Nguyên đán năm nay doanh nghiệp báo cáo là 1 tháng lương/người. Ngoài thưởng Tết, hơn 800 doanh nghiệp còn có thêm nhiều hình thức hỗ trợ cho người lao động, như tặng thêm quà, phiếu mua hàng, hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe…
Thông tin về thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, đối với Tết âm lịch, mức thưởng cao nhất tại thành phố thuộc về một doanh nghiệp trong nước, với 855 triệu đồng. Thưởng Tết Nguyên đán bình quân của khối doanh nghiệp trong nước tại thành phố là 8,3 triệu đồng/người, tăng 10,89% so với năm 2017.
Tuy nhiên, trong hơn 1.900 doanh nghiệp có báo cáo tình hình lương thưởng Tết năm 2018 gửi về Sở Lao động – Thương binh – Xã hội thì có gần 180 doanh nghiệp khó khăn trong việc chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đơn hàng giảm, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, khó thu hồi công nợ…
Liên quan đến thưởng Tết, nguồn thu nhập của người lao động trong dịp Tết đến, xuân về bà Trần Kim Yến yêu cầu, đối với người lao động bị nợ lương, nợ BHXH dài ngày, mất việc làm vào thời điểm cuối năm thì các cấp công đoàn cơ sở, địa phương cần lên kế hoạch chăm lo tết chu đáo và báo cáo về công đoàn cấp trên để giải quyết kịp thời. Đây là việc cần làm ngay để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.