Giáo dục

Chấm thi tốt nghiệp THPT 2025: Đảm bảo đúng tiến độ, nghiêm minh, chính xác

Hàn Minh 01/07/2025 09:32

Thời điểm này các địa phương đã và đang triển khai công tác chấm thi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Trong bối cảnh chuyển giao giữa chính quyền địa phương 3 cấp và 2 cấp, Bộ GDĐT và địa phương có sự phối hợp nhịp nhàng để kịp thời phát hiện những chưa ổn trong quá trình chấm thi.

tren.jpeg
Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Lâm An.

Siết chặt khâu chấm thi, phụ huynh yên tâm

Từ ngày 1/7, 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định sẽ sáp nhập và mang tên Ninh Bình. Ông Đinh Văn Khâm - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình cho biết Bộ GDĐT đã có hướng dẫn từ sớm và rất kỹ về vấn đề này nên Ninh Bình cũng như các địa phương khác đã và đang chủ động triển khai công tác chấm thi khi sáp nhập tỉnh. Cụ thể, Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình chuẩn bị sẵn sàng việc thành lập các ban chấm, ban phách, triển khai công việc tiếp theo khi sát nhập tỉnh từ ngày 1/7. Sẽ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT, đó là một hội đồng thi có nhiều ban chấm thi, nhiều ban phách để thực hiện đảm bảo theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Nhìn chung, việc chấm thi cơ bản độc lập với nhau, chủ yếu liên quan ở thủ tục hành chính.

“Các lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình đã họp và thống nhất, khi sáp nhập thì theo chỉ đạo của Bộ là kiện toàn ban chỉ đạo, hội đồng thi mới. Nhưng việc chấm thi vẫn thực hiện tại các địa phương, các ban chấm thi thực hiện tại chỗ, nên phụ huynh yên tâm việc chấm thi vẫn đảm bảo khách quan, công bằng, nghiêm túc” – ông Đinh Văn Khâm cho biết.

Khẳng định sẽ siết chặt các khâu chấm thi, công bố điểm, phúc khảo và xét tuyển đại học năm 2025, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra từ Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và cử cán bộ đến giám sát trực tiếp tại tất cả các hội đồng thi trên cả nước. Các nội dung được kiểm tra, giám sát bao gồm: chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả, xử lý phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp và phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

"Các đoàn công tác sẽ bám sát quá trình chấm thi, nhằm bảo đảm sự công bằng, khách quan và tránh xảy ra sai sót trong bất kỳ khâu nào" - ông Chương nhấn mạnh.

Công tác chấm thi đã bắt đầu từ ngày 28/6. Bộ yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc quy trình chấm thi theo đúng quy chế, đặc biệt là chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm và công tác phúc khảo. Trước đó, Bộ GDĐT đã có Công văn số 2999 ngày 13/6/2025 gửi đến các Sở GDĐT về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, công tác chấm thi, phúc khảo bài thi theo 2 bước gồm thành lập các ban chấm thi theo đơn vị hành chính hiện hành và kiện toàn Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, hội đồng thi và các ban thuộc hội đồng thi (ban phách, ban chấm thi, ban phúc khảo) ngay khi chính quyền cấp tỉnh mới chính thức hoạt động. Các ban của hội đồng thi thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Cụ thể, lãnh đạo chỉ đạo tại chỗ; nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại chỗ; cơ sở vật chất, thiết bị tại chỗ; hậu cần, tài chính tại chỗ. Chế độ, định mức chi cho hoạt động của các ban, các thành viên hội đồng thi áp dụng chung trong toàn tỉnh mới hay áp dụng riêng theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân của từng tỉnh trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh do địa phương quyết định.

Kỹ lưỡng từng bước

Thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, có hơn 800 cán bộ, giáo viên các trường THPT trên địa bàn thành phố đang tham gia công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Từ ngày 28/6, ban làm phách kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của TP Hà Nội chính thức làm việc. Sau khi triển khai các công việc theo kế hoạch, công tác chấm thi sẽ được thực hiện theo tiến độ chung. Khu vực chấm thi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn và biệt lập, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.

Sở GDĐT TPHCM thông tin, khoảng 3.000 giáo viên của thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn chấm thi tốt nghiệp THPT từ ngày 30/6. Thời gian chấm thi dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 8/7 tới. Từ ngày 9/7 đến ngày 13/7, các bộ phận được phân công sẽ thực hiện việc kết nối dữ liệu bài tự luận, đối sánh kết quả…

Theo quy chế, cán bộ chấm thi tuyệt đối không được mang các phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định của ban chấm thi khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi.

Theo quy định của Bộ GDĐT, với bài thi tự luận là Ngữ văn, mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau. Sau hai lần chấm, nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) trên 1,5 điểm thì sẽ phải chấm thi lần thứ ba trực tiếp vào bài của thí sinh để thống nhất mức điểm. Tổ chấm kiểm tra sẽ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được chấm trước đó.

Với bài thi trắc nghiệm, tất cả bài làm của thí sinh (phiếu trả lời trắc nghiệm) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GDĐT cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả là điểm bài thi của từng thí sinh.

Khi hoàn tất công tác chấm thi, dữ liệu điểm sẽ được lưu vào hai đĩa CD để gửi về Bộ GDĐT và lưu giữ ở hội đồng thi để thực hiện nhập điểm và đối sánh, hoàn tất mới công bố kết quả điểm thi. Bộ GDĐT lưu ý, Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi công bố điểm, thí sinh có quyền phúc khảo bài thi và nộp đơn về nơi đăng ký dự thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố và thông báo kết quả phúc khảo cho thí sinh.

Dự kiến kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được các hội đồng thi công bố đồng loạt vào 8 giờ sáng ngày 16/7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấm thi tốt nghiệp THPT 2025: Đảm bảo đúng tiến độ, nghiêm minh, chính xác