Công an TP Hồ Chí Minh mở cao điểm xử phạt tài xế xe ôm công nghệ vi phạm những lỗi gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông như: lái xe sử dụng điện thoại di động, chở người không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định…Việc kiểm tra, xử lý sẽ thực hiện trên toàn địa bàn thành phố, đặc biệt, những khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc hoặc tai nạn giao thông.
Chấn chỉnh các lỗi gây ùn tắc
Đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC08, Công an TP HCM) cho biết, đợt cao điểm xử lý xe ôm công nghệ sẽ chính thức triển khai vào cuối năm từ ngày 15/11 đến ngày 14/12 năm nay, để chấn chỉnh tình hình vi phạm an toàn giao thông, với các lỗi trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông của các hãng Grab, GoViet, Be,…. Bên cạnh đó CSGT sẽ lồng ghép việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho tài xế khi tham gia giao thông.
Trong đợt cao điểm xử lý các vi phạm của xe ôm công nghệ khi tham gia giao thông, PC08 sẽ tập trung vào xử lý các hành vi của tài xế xe ôm công nghệ về chạy quá tốc độ; chở 2 người trên xe; chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi ngược chiều; vượt xe trên đường cầm; điều khiển xe khi sử dụng ĐTDĐ,...CSGT cũng sẽ được trang bị thêm máy do tốc độ, hệ thống camera giám sát trong quá trình xử lý vi phạm của tài xế xe ôm công nghệ; Xử lý phạt nguội.
Ngoài xử lý về vi phạm giao thông đường bộ, Cục Thuế TP HCM cũng tổ chức buổi gặp các tài xế GrabBike giải đáp, hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến thuế. Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng tuyên truyền Cục Thuế TP HCM, về nguyên tắc Công ty Grab sẽ thay mặt tài xế xe ôm công nghệ khai và nộp thuế cho các tài xế vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Đối với thu nhập từ Grab được tính riêng căn cứ vào mức thu nhập trên 100 triệu đồng sẽ phải thực hiện đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 3% trên doanh thu và thuế thu nhập cá nhân (1,5% trên doanh thu), bên cạnh đó thu nhập là tiền thưởng có thuế suất là 1%. Tuy nhiên, cũng theo đại diện Cục Thuế TP HCM thì cơ quan này vẫn khó khăn trong việc thu các loại thuế này từ xe ôm công nghệ.
Còn nhiều bất cập
Lý giải về các bất cập còn tồn tại, anh Nguyễn Đình Hà, một tài xế taxi công nghệ cho biết, cũng như các nghề nghiệp lao động khác thì anh sẵn sàng chấp hành quy định thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế, nhưng phải đảm bảo công bằng. Bởi vì theo anh Hà, để kiếm được 100 triệu đồng các tài xế đã phải đối mặt với nhiều tai nạn rình rập và thời gian làm việc mỗi ngày 11-12 tiếng trung bình, thế nhưng đã phải đóng 4,5% tiền thuế là chưa phù hợp đối với lĩnh vực nghề nghiệp này. Tài xế Đinh Công Thiện (Q.9) cũng giải thích thêm về các chi phí một tài xế xe ôm công nghệ phải chi trả cho các phí đổ xăng, dầu nhớt, bảo trì, sửa xe. Do đó, các tài xế xe ôm công nghệ cũng kiến nghị với Cục Thuế TP HCM xem xét để giảm trừ cho phù hợp.
Theo anh Nguyễn Việt Hồng, một tài xế xe ôm công nghệ khu vực Q.2, Q.9, Thủ Đức cho biết, từ năm 2018, các tài xế xe ôm công nghệ đã nhận được thông báo nghĩa vụ thuế, nhưng nhiều bất cập liên quan đến các khoản thuế vẫn còn tồn tại. Do đó, anh Hồng cũng như nhiều tài xế muốn cơ quan thuế nâng mức doanh thu để tính thuế đối với loại hình xe ôm công nghệ lên mức trên 150 triệu đồng/năm mới tính thuế. Và, trong lúc chờ sửa đổi luật thì tạm thời chưa áp dụng mức thuế này đối với loại hình xe ôm công nghệ.
Liên quan đến việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhiều tài xế xe ôm công nghệ ủng hộ việc CSGT xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, bởi vì thời gian qua do một số tài xế “làm rầu nồi canh” khiến ảnh hưởng đến các tài xế chân chính khác. Tuy nhiên, nhiều tài xế xe ôm công nghệ cũng phân trần về việc xử phạt đối với hành vi điều khiển xe sử dụng điện thoại di động cần có lộ trình và bắt đầu bằng công tác hướng dẫn, tuyên truyền, bởi vì đây là lĩnh vực nghề nghiệp có tính đặc thù, gắn liền với ĐTDĐ. “Kết thúc mỗi hành trình, tài xế xe ôm công nghệ phải thực hiện các thao tác nhận các cuốc xe mới trên phần mềm của ĐTDĐ, đồng thời trong suốt hành trình cũng phải sử dụng thiết bị di động để check map, do đó nếu xử phạt hành vi này sẽ rất dễ gây sốc đối với các tài xế xe ôm công nghệ” - anh Nguyễn Đình Hà, một tài xế xe ôm công nghệ nói.
Theo đại diện PC08-Công an TP HCM, Phòng cũng đã nắm các đặc điểm nghề nghiệp của xe ôm công nghệ nên trước khi mở đợt cao điểm thì PC08 sẽ phối hợp với các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển, đi lại bằng phương tiện xe máy như Grab, GoViet, Be,…để tuyên truyền, vận động lái xe nêu cao ý thức, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.