Chặn đà xuất khẩu lao dốc

Lê Bảo 10/03/2023 07:00

Theo Bộ Công thương, trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng đều giảm, ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 15,1% (688 triệu USD) so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu thủy sản giảm 32,9% (494 triệu USD), chỉ đạt 1 tỷ USD…

Dệt may là một trong những mặt hàng gặp khó khăn về xuất khẩu trong quý 1/2023. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu mặt hàng nhóm “tỷ USD” giảm khá mạnh so với cùng kỳ, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 6,87 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%; hàng dệt may ước đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6%; giày dép các loại ước đạt 2,76 tỷ USD, giảm 15,8%...

Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua.

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ Công thương cũng cho thấy, trong khi xuất khẩu tại thị trường lớn giảm mạnh thì đã có sự chuyển dịch sang các thị trường nhỏ, ghi nhận tăng trưởng đột phá về doanh thu như: Thị trường Israel nhập khẩu tăng 17%, Indonesia tăng 8%, Cameroon tăng 15%, Lào tăng 21%, Chile tăng 7%.

Trong khi đó, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 2/2023 ước đạt 3,4 tỷ USD, giảm 8% so với tháng 1/2023.

Với lĩnh vực thủy sản, theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), xuất khẩu giảm mạnh. Tình trạng lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng cũng như kế hoạch kinh doanh tại các thị trường lao dốc. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm nhiều nhất là 66%, Trung Quốc 54%, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU giảm 29-48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho rằng, sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA. Do đó xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ DN phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, muốn tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, các DN phải chủ động đa dạng hóa sản phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khó các DN phải chủ động để tận dụng các ưu đãi về thuế để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Do đó bất kỳ lợi thế nào dù nhỏ nhất cũng mang lại hiệu quả tích cực cho DN.

“Mặc dù mỗi FTA có biểu thuế xuất khẩu ưu đãi hoặc biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt riêng nhưng đều là con đường ưu tiên để DN xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng giao dịch với đối tác, càng nhiều hiệp định thương mại thì DN càng có nhiều lựa chọn. Vấn đề là DN phải lựa chọn con đường thích hợp nhất” - bà Trang nhấn mạnh đồng thời khuyến nghị các DN cần chủ động tìm hiểu các quy định để tận dụng lợi thế, DN cũng nên tiếp cận thông tin tuyên truyền của các cơ quan nhà nước liên quan để có thông tin tốt hơn.

Đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, để duy trì đà tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khuyến cáo DN cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong tình hình mới. Song song đó, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn đà xuất khẩu lao dốc