Xã hội

Chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

T.Hằng 03/01/2024 10:45

Theo giới chuyên gia cũng như quan điểm của Bộ Tài chính, việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) phải đáp ứng được yêu cầu: đúng quy định pháp luật và phải đúng người, đúng việc, không để xảy ra tình trạng gian lận, chiếm đoạt tiền của nhà nước.

anh-bai-tren(2).jpg
Hoàn thuế VAT là câu chuyện nóng của ngành thuế trong năm 2023. Ảnh: H.H.

Năm 2022, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Phú Thọ) đã khởi tố 5 bị can, trong đó có 2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, với doanh số hóa đơn điện tử đã bán đặc biệt lớn. Đồng thời, cơ quan điều tra đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp (DN) bán hóa đơn, 32 con dấu giả các cơ quan chức năng và phong tỏa 2 tài khoản với số tiền trên 27 tỷ đồng. Lợi dụng việc đăng ký kinh doanh và chuyển nhượng DN trực tuyến, từ cuối năm 2020 đến nay, các đối tượng đã mua 228 DN, đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ chủ yếu ở TPHCM và Hà Nội, sau đó thiết lập mạng lưới trung gian khoảng 400 người. Các đối tượng khai thác trang thông tin điện tử các DN, tìm kiếm đơn vị có nhu cầu để bán hóa đơn giá trị gia tăng với doanh số đặc biệt lớn, khoảng hơn 25.000 tỷ đồng…

Năm 2023, nhìn lại cũng cho thấy công tác hoàn thuế VAT là vấn đề rất nóng. Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, công tác đấu tranh chống gian lận về hóa đơn, hoàn thuế cũng ngày càng khó khăn hơn do các đối tượng luôn thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp với thái độ ngày càng liều lĩnh hơn trước nhằm trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách nhà nước.

Cục Thanh tra Kiểm tra (Tổng cục Thuế) đã chỉ ra, thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian (F1, F2) mua bán hàng hóa. Các DN trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho DN F1 thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn, việc kê khai doanh thu và thuế giữa các DN trung gian không khớp đúng, DN bán (F2) kê khai doanh thu nhỏ nhưng DN mua (F1) kê khai khấu trừ lớn; việc thanh toán qua Ngân hàng được Cục Thuế xác minh thì thanh toán tiền đều được thực hiện qua ngân hàng, tuy nhiên việc thanh toán tiền hàng và rút tiền từ ngân hàng đều diễn ra trong cùng 1 ngày và cùng tên một người rút tiền.

Bên cạnh đó, DN hoàn thuế VAT sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua của các DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh) hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế VAT. DN hoàn thuế lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh.

Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán Thuế cho biết, năm 2024, công tác quản lý hoàn thuế hướng tới 2 mục tiêu quan trọng là hoàn thuế nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật, không để hồ sơ quá hạn do yếu tố chủ quan từ cơ quan thuế, công chức thuế; ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi gian lận về hóa đơn, hoàn thuế, quản lý chặt chẽ tiền của ngân sách nhà nước.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế VAT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử cùng các pháp luật có liên quan để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập DN “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước.

Đặc biệt cơ quan thuế cũng thanh tra chủ động, rà soát chuỗi các DN có mua bán hàng hóa với DN hoàn thuế trước khi nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế, từ đó sớm xác định rủi ro, phân loại chính xác các trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau, kiểm tra trước, hoàn thuế sau, qua đó đẩy nhanh thời gian hoàn thuế và tập trung nguồn lực kiểm soát chặt chẽ các DN có dấu hiệu gian lận; và coi đây là một chủ trương quan trọng trong công tác quản lý hoàn thuế VAT năm tới.

Dữ liệu thống kê cho biết, từ đầu năm 2023 đến hết ngày 20/12/2023, cơ quan thuế đã ban hành 18.008 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền thuế hoàn là 138.461 tỷ đồng (bằng 87%) ước thực hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ (160.000 tỷ đồng), bằng 97% so với cùng kỳ năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO