Chặn tin đồn thất thiệt

Minh Thủy 18/04/2023 06:00

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 3 tuần qua, tại châu Á số ca mắc Covid-19 tăng, trong đó có khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy biến thể mới của Omicron lây lan nhanh hơn, và cũng không có độc lực mạnh hơn. Trong nước, những ngày gần đây cũng đã xuất hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thể nhẹ. Nhưng vẫn có một số thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội về độc lực của biến thể virus mới. Thực hư ra sao?

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19. Trong tất cả những đợt dịch bùng phát, cả nước chung tay chống dịch, từng bước đẩy lùi và dập dịch; từ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại về người do Covid-19 gây ra. Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 43, đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và ý kiến các bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" từ ngày 15/3/2022.

Có thể thấy, dù dịch bệnh vô cùng căng thẳng nhưng Việt Nam luôn ứng phó linh hoạt, chủ động khoanh vùng dập dịch để từ đó sớm mở cửa, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Và cũng nhờ đó, tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2022 đạt 8,02%, được xếp vào danh sách những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Lần này, sau một thời gian tương đối dài, dịch Covid-19 đã lắng xuống trên phạm vi toàn thế giới. Ngày 11/3/2020, WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Cho tới nay, dù WHO chưa chính thức tuyên bố đại dịch chấm dứt nhưng cũng cho rằng Covid-19 đang dần chuyển thành bệnh đường hô hấp thông thường. Trong đại dịch, nước Mỹ có số người tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 1 triệu người, tính đến hết tháng 5/2022. Tuy nhiên, do nắm rất chắc cơ chế lây lan của dịch cũng như số người tiêm vaccine cao, số người có kháng thể miễn dịch cộng đồng cao nên từ ngày 30/1/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố nước Mỹ sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp dịch Covid-19, từ tháng 5 sắp tới.

Còn trên phạm vi toàn thế giới, hầu hết các nước đã mở cửa, coi Covid-19 là một loại cúm cần đề phòng chứ không còn là đại dịch. Tới nay đại dịch Covid-19 đã thực sự không còn là mối đe dọa loài người. Các loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 vẫn có tác dụng “tìm và diệt” những biến thể virus mới.

Với Việt Nam, sau nhiều tháng ngày tập trung mọi nguồn lực chống dịch Covid-19, chúng ta đã rút được nhiều bài học vô cùng quý báu. Y tế dự phòng được củng cố cho tới từng tổ dân cư. Các bệnh viện đều có khả năng điều trị bệnh nhân Covid-19. Không chủ quan, tất cả những diễn biến mới của dịch bệnh đều được cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền thông báo thường xuyên tới người dân. Đặc biệt, người dân nắm rất chắc cách phòng dịch, cũng như hiểu được cách chữa trị nếu như bản thân mình hoặc người thân bị virus SARS-CoV-2 tấn công. Mọi người đã rất bình tĩnh, không còn hoảng hốt, thay vào đó là chủ động ứng phó với dịch.

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, dù dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên nhưng chúng ta hoàn toàn yên tâm trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó là những khuyến cáo tiếp tục được đưa ra để từng người dân có thể phòng tránh ngay trong ngôi nhà của mình. Theo Bộ Y tế, mục tiêu trong thời gian tới là bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, giảm tử vong, không gây quá tải cho hệ thống y tế.

Đến nay, sự xuất hiện của chủng Omicron đã qua 16 tháng, thực tế cho thấy nó có thể lây lan nhanh nhưng không làm tình trạng bệnh nặng lên. Với số ca mắc hiện nay, cấp độ dịch Covid-19 vẫn là màu xanh, an toàn. Đại diện Bộ Y tế khẳng định, dịch kể cả có tăng cục bộ nhưng được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, bản thân mỗi người dân nên tiêm chủng đầy đủ, người có nguy cơ cao khi đến nơi đông người, môi trường kín nên đeo khẩu trang.

Trở lại với những tin đồn thất thiệt về dịch Covid-19 quay trở lại với nguy cơ cao, từ thực tế cho thấy người dân cần bình tĩnh, không hoảng hốt cũng không “tiếp tay” lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, độc hại ấy. Chúng ta cũng đã có quá nhiều bài học về việc này trong những đợt bùng phát dịch. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc truy tìm, xử lý nguồn gốc phát tán tin đồn vô căn cứ ấy, không để cuộc sống của người dân bị xáo trộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn tin đồn thất thiệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO