Xã hội

Chặn tín dụng đen về nông thôn

Đoàn Xá 17/11/2023 14:07

Không chỉ ở khu vực đô thị, hiện nay mạng lưới tín dụng đen, cho vay không thế chấp đã tràn về nhiều khu vực nông thôn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với mức lãi suất cao đã mang tới nhiều hệ luỵ.

anh-bai-tren(1).jpg
Những quảng cáo cho vay nặng lãi, tín dụng đen tràn về vùng quê Long An. Ảnh: Đoàn Xá.

Đi một vòng quanh các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức… (tỉnh Long An) không khó để nhận ra vô số các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền không thế chấp, vay tiền lãi suất thấp, vay tiền của ngân hàng… Các khu vực tập trung nhiều quảng cáo thường ở nơi có nhiều công ty, nhà máy với đông đúc công nhân, người lao động nghèo. Mặc dù được quảng cáo khá “ngon ăn” nhưng thực tế, khi vay tiền thì vòng xoáy nợ nần sẽ bủa vây khách hàng bởi tỷ lệ lãi suất rất cao.

Anh V.T. ở xã Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ) kể, hồi cuối năm ngoái do cần tiền cho con gái phẫu thuật vì tai nạn, anh đã buộc phải gọi điện để vay tín dụng đen theo quảng cáo ven đường. “Tôi gọi điện hẹn gặp ở bên thị trấn Đông Thành đưa giấy tờ, nói họ là vay 10 triệu đồng để trả tiền bệnh viện thôi nhưng sau khi xem giấy tờ họ nói có thể vay được 20 triệu đồng. Họ còn nói cứ vay nếu không dùng tới thì trả lại, chứ nếu thiếu tiền ở bệnh viện thì khó vay tiếp được nếu chưa trả xong gói cũ. Nghe cũng hợp lý nên tôi đã vay 20 triệu đồng và nghĩ chỉ khoảng 2-3 tháng là sẽ trả hết. Lãi suất theo thỏa thuận là 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Nghĩa là mỗi ngày mất 100 nghìn đồng tiền lãi cho khoản vay trên. Họ cũng nói lãi phải trả theo tuần. Tuy nhiên đến tháng 10 vừa rồi tôi mới trả được hết nợ cho họ. Lúc này tiền lãi tổng cộng hơn 35 triệu đồng cùng tiền gốc 20 triệu đồng nữa” - anh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do có giấy tờ và địa chỉ nhà ở rõ ràng nên anh V.T. vay tiền với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày là mức khá “ưu đãi” bởi nhiều người, đặc biệt là những người công nhân đi ở trọ, mức lãi suất cao hơn khá nhiều, thậm chí gấp 2,3 lần con số trên.

Tùy theo những loại giấy tờ mà phía cho vay xác định, số tiền và lãi sẽ được quy định trước với điều kiện ràng buộc cụ thể là lãi suất cao. Thậm chí một số quy định với người vay là công nhân ở trọ còn bắt buộc nếu sau thời hạn một vài tháng ban đầu không trả nợ, lãi suất sẽ tăng thêm. Nếu trước kia tình trạng này chủ yếu diễn ra ở các đô thị thì hiện nay, nhiều khu vực nông thôn vùng quê xa xôi ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre cũng đã tràn ngập các dịch vụ quảng cáo cho vay để “mồi chài” những người khó khăn. Hậu quả ngoài việc người dân phải gánh nợ nần với lãi suất khủng còn kéo theo nhiều bất ổn an ninh trật tự, băng nhóm đòi nợ thuê… ở các địa phương này.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, lực lượng công an các cấp ở Tiền Giang đã tăng cường áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến tín dụng đen để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Ngoài ra, lực lượng công an các cấp tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động tín dụng đen, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định; đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động tín dụng đen.

Tại nhiều địa phương như huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy… (tỉnh Tiền Giang), tình trạng quảng cáo, chèo kéo người dân vay tín dụng đen, lãi suất cao đã xuất hiện nhiều trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, công tác đấu tranh với các hoạt động tín dụng đen trên địa bàn thời gian qua vẫn gặp những khó khăn nên phải có sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc phải cùng bàn bạc, tìm giải pháp để thực hiện.

UBND tỉnh Long An cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm chắc, bám sát địa bàn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhất là kiểm tra các dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật để răn đe, cảnh tỉnh.

Theo thống kê của tỉnh Long An, địa phương này đã thực hiện 3.600 cuộc tuyên truyền, phát loa an ninh tuyên truyền 21.000 lượt, 13.000 bản tin trên các nhóm zalo tuyên truyền trong thời gian 4 năm qua để thông tin tới người dân nhằm ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Cùng với đó là rất nhiều băng nhóm, đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen bị triệt phá, khởi tố bắt giam theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn tín dụng đen về nông thôn