Sau việc một loạt cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bắt giam, một số địa phương đã kiểm tra lại việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống đại dịch Covid-19, nhất là giá mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành kiểm tra, báo cáo lại vấn đề này. Hy vọng việc kiểm tra, rà soát sẽ được tiến hành khẩn trương và nếu phát hiện tiêu cực thì phải nhanh chóng xử lý thích đáng.
Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố, bắt giam vì vụ cấu kết nâng khống giá để trục lợi khi mua máy xét nghiệm Realtime PCR.
Văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế sẽ tốt hơn nếu Bộ Y tế chỉ đạo từ đầu rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, đất nước còn khó khăn, các địa phương cần thận trọng, tiết kiệm và chắt chiu ngân sách trong việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng dịch, nhất là máy xét nghiệm Realtime PCR. Tuy nhiên, đây vẫn là việc làm cần thiết.
Các địa phương chủ động, Bộ Y tế chỉ đạo rà soát vụ mua máy xét nghiệm SARS-CoV-2 Realtime PCR, có thể hiểu đơn giản là chẳng ai muốn rơi vào tình cảnh như một số cán bộ của CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan khi cùng nhau nâng giá khống để trục lợi; và qua đó họ cũng đã nhận thấy lỗ hổng trong việc mua thiết bị y tế rất đặc biệt này.
Đơn cử như TP Hải Phòng. Vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với việc số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng nhanh, Hải Phòng đã thông tin trên truyền thông rằng, sau khi cân nhắc đã quyết định mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Nhưng đến thời điểm này, sau khi một loạt cán bộ CDC Hà Nội bị bắt, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng lại nói rằng máy xét nghiệm Realtime PCR là đi mượn chứ thành phố chưa mua. Cách lý giải này không khỏi khiến dư luận nghi ngờ đặt dấu hỏi: Liệu có sự khuất tất trong việc trang bị máy xét nghiệm Realtime PCR ở thành phố này?
Hay như tỉnh Thái Bình, dù phê duyệt gói thầu mua máy xét nghiệm Realtime PCR với số tiền 6,48 tỷ đồng, nhưng tại thời điểm này lãnh đạo Sở Y tế lại khẳng định chỉ phải mua với mức giá hơn 5,8 tỷ đồng. Vị lãnh đạo Sở Y tế còn cho rằng máy xét nghiệm SARS-CoV-2 của Thái Bình là loại hiện đại bậc nhất hiện nay. Hơn nữa, doanh nghiệp cung cấp còn “hảo tâm” vừa bớt tiền mua máy, vừa “tặng” thêm 1.300 bộ test xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng và bảo hành tới 5 năm, thay vì 1 năm như những đơn vị khác. Cuối cùng, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cam đoan làm mọi việc đúng pháp luật.
Có thể nói, cách lý giải của lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cũng không nhiều thuyết phục. Người ta đặt vấn đề, liệu có doanh nghiệp nào sau khi đã bán sản phẩm rồi lại chấp nhận ngồi đàm phán lại để phải hạ giá tới gần 500 triệu đồng? Thứ hai, dù có tặng thêm các bộ test xét nghiệm, thời gian bảo hành... thì cái giá hơn 5,8 tỷ đồng cũng vẫn là cao ngất ngưởng so với giá trị thực của thiết bị này trên thị trường (khoảng dưới 3 tỷ đồng).
Trong một động thái khác, sau bê bối của CDC Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh cũng đã yêu cầu Thanh tra tỉnh vào cuộc xem có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không, nếu có sẽ xử lý nghiêm. Nhiều ý kiến cho rằng Thanh tra tỉnh thì cũng khó mà “vạch” ra cái sai của những đơn vị ngang cấp, chưa kể nếu liên quan đến lãnh đạo cao hơn thì càng khó mà kết luận. Vậy thì chúng ta hãy kiên nhẫn chờ kết luận cuối cùng của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh như thế nào mới có thể đưa ra bình luận. Tuy nhiên, chắc hẳn Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cũng thừa biết rằng, giá mua máy xét nghiệm Realtime PCR của tỉnh đang quá cao so với mặt bằng chung của thị trường.
Như vậy, sau vụ tiêu cực ở CDC Hà Nội bị phát hiện, từ chỉ đạo của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố sẽ tiến hành rà soát việc chi tiêu tiền ngân sách trong phòng chống đại dịch Covid-19. Đây là việc làm cần thiết, cho dù lúc này cả nước mới thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội chưa được bao ngày và vẫn phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, không chủ quan trong việc phòng, chống đại dịch này.
Nhưng, cho dù phải gồng mình chống dịch đi chăng nữa thì cũng không thể để những hành vi trục lợi xuất hiện, làm tổn thương đến tình cảm của đồng bào, hủy hoại những nỗ lực của cả nước, những chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước. Trục lợi trong khi cả nước dốc sức phòng, chống dịch; hơn nữa lại bắt tay trục lợi ở chính khâu trực tiếp chống dịch là điều không thể chấp nhận.
Hy vọng việc kiểm tra, rà soát sẽ được tiến hành khẩn trương và nếu phát hiện tiêu cực thì phải nhanh chóng xử lý thích đáng.