Việc lạm phát xuống thang ở các nền kinh tế phát triển đã mở ra một cuộc tranh luận: có nên ăn mừng chiến thắng hay chưa?
Trong khi giới đầu tư tài chính Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được cho là đã lên lịch “đặt tiệc ăn mừng”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel lại lên tiếng cảnh báo về một chặng đường gập ghềnh phía trước, khi lạm phát có thể trồi sụt trong tương lai gần.
Số liệu công bố hôm 11/12 cho thấy lạm phát ở khu vực Eurozone trong tháng 11 là 2,4%, thấp hơn mức 2,9% của tháng 10 và thấp hơn mức dự báo 2,7% mà giới chuyên gia đưa ra. Như vậy, lạm phát ở khu vực này đã giảm hơn 3/4 kể từ mức đỉnh thiết lập cách đây hơn 1 năm và đã đến gần mục tiêu của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói còn quá sớm để “công bố chiến thắng”, vì lạm phát có thể trỗi dậy khi các yếu tố giúp giảm lạm phát có dấu hiệu suy yếu. Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng Thống đốc ECB, so sánh phần còn lại của tiến trình giảm lạm phát với giai đoạn cuối cùng của một cuộc đua đường trường.
Phần lớn các nhà kinh tế học đồng tình với quan điểm thận trọng của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Họ dự báo lạm phát ở Eurozone sẽ bật tăng trở lại mức 3,5% vào tháng 12 và giữ trên mốc 2,5% cho tới ít nhất đầu năm 2025. Một khảo sát do Consensus Economics thực hiện cho thấy, khối doanh nghiệp phấn khởi khi lạm phát giảm nhưng người tiêu dùng lại không mấy lạc quan.
Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ cũng đang hạ nhiệt. Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Jerome Powell nói sẽ không bị “đánh lừa”chỉ qua một vài tháng dữ liệu tích cực. Ông Powell chỉ rõ “trước đây, lạm phát đã vài lần làm chúng ta lạc hướng”.
Tốc độ lạm phát toàn phần (phản ánh qua chỉ số giá tiêu dùng được công bố hàng tháng) cả năm ở Mỹ giảm còn 3,2% trong tháng 10, nhưng được dự báo sẽ giữ trên mức 3% cho tới tháng 1/2024 và chỉ giảm về 2,4% vào cuối năm 2024. Như vậy mục tiêu kéo lạm phát xuống 2% sẽ vẫn là chặng đường dài phía trước.
Một báo cáo của Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và lương thực - thực phẩm, duy trì trên mức 3% trong nền kinh tế toàn cầu vào năm 2024, chủ yếu bởi sức ép chi phí nhân công và giá dịch vụ tiếp tục tăng.
“Mặc dù chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát có thể là giai đoạn chậm chạp nhất nhưng các hộ gia đình sẽ cảm thấy dư dả hơn vì tiền lương của họ cuối cùng cũng đuổi kịp tốc độ tăng của giá cả. Điều đó có nghĩa là sức mua sẽ được cải thiện trong năm tới” - chuyên gia Samy Chaar của JPMorgan Chase nhận định.
Theo tờ Wall Street Journal, lạm phát giảm làm dấy lên kỳ vọng rằng các ngân hàng đã đến lúc kết thúc việc tăng lãi suất và dịch chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Điều đó giúp các nền kinh tế vốn đang chật vật có thể “hạ cánh mềm”, đặc biệt quan trọng với EU khi cận kề suy thoái.
Ngay cả những quốc gia nơi lạm phát “cứng đầu” nhất, như nước Anh, cũng đã bắt đầu chứng kiến những tiến triển tích cực. Nhà kinh tế Bruna Skarica của Morgan Stanley cho rằng, nước Anh không còn là “ngoại lệ về lạm phát cao”, mà đã “tìm được đường quay trở về” khi đã trong quá trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát.
Ông Michael Saunders, chiến lược gia tiền tệ của công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics cho rằng lạm phát và lãi suất sẽ giảm trên diện rộng trong năm 2024 tại các nền kinh tế phát triển. Và điều đó sẽ tác động tích cực tới kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, với nhiều người tiêu dùng Âu - Mỹ, lạm phát vẫn “đứng trước cửa nhà”, khiến mức mua bán vẫn cầm chừng. Emanuell Riff, công dân New York (Mỹ) cho biết, ngay cả trẻ em cũng không dám đòi cha mẹ mua nhiều đồ chơi. “Lạm phát cũng có mặt tích cực, đó là con cái biết cảm thông với cha mẹ hơn” - bà Riff nói.
Bà Eloisse, sống ở Nantes (Pháp) cho biết, mùa Giáng sinh năm nay nhiều người mua cây thông nhựa thay vì cây thông thật do rẻ hơn. Việc này cũng nói lên nhiều điều.
Bill Ackman, 57 tuổi, ông chủ công ty Pershing Square trị giá khoảng 17 tỷ USD, cho rằng việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương cho thấy cuộc chiến chống lạm phát đã ở giai đoạn cuối. Thế giới đã tránh được suy thoái kinh tế và đây là lúc các nhà đầu tư nên chủ động nhập cuộc, vì yếu tố rủi ro còn rất ít.