Nguyễn Trí Ngân xin được 7 tấn lương thực gồm gạo, khoai, trứng, rau củ ở quê nhà Vĩnh Long và một chuyến xe tải miễn phí chở lên tặng người dân tâm dịch Gò Vấp.
Dưới cái nắng gay gắt đầu tháng 6, Trí Ngân vẫn miệt mài chạy xe máy khắp các con ngõ, phố của Vĩnh Long, Cần Thơ. Phía sau xe cậu, một chiếc xe tải nhỏ cũng bám sát. Thi thoảng xe máy và xe tải cùng dừng lại để nhận những bao gạo quê, ký khoai lang, những trái bí đỏ... trong vườn được bà con chất lên. Đó là những món quà, tấm lòng của người dân Vĩnh Long nhờ Ngân mang lên Sài Gòn giúp những người đang gặp khó khăn, thiếu thốn trong vùng dịch.
Sau ba ngày, chàng trai 23 tuổi đã xin được hơn 7 tấn hàng, sẵn sàng đi vào tâm dịch.
"Em ở Sài Gòn về quê một tuần trước ngày có chỉ thị giãn cách. Nhiều bạn bè của em đã đăng ký làm tình nguyện viên, trong khi em lại chưa thể làm gì khi đất nước đang cần. Những ngày này, người lao động nghèo ở Gò Vấp mất việc, họ vẫn đang ở nhà thuê, chắc chắn sẽ rất khó khăn. Đâu phải ai làm ăn ở Sài Gòn cũng khá giả", Trí Ngân - sinh viên năm cuối trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, TP HCM cho biết lý do chở lương thực lên Sài Gòn.
Tuy nhiên, khi đã gom đủ hàng, Ngân gọi điện cho gần 30 tài xế trong tỉnh nhưng không ai nhận lời chở hàng đến Gò Vấp. Cuối cùng, tài xế Võ Văn Việt, 44 tuổi ở thành phố Vĩnh Long nhận lời, thậm chí còn tuyên bố không lấy tiền của Ngân. "Người ta có thì góp tiền, góp gạo, tôi không có thì góp sức góp công. Ở thành phố thứ gì cũng phải mua, giờ không đi làm được thì tiền đâu mà mua", tài xế Việt nói.
Vậy là trưa 6/6, Trí Ngân và tài xế xuất phát, thẳng tiến Sài Gòn. Trong lúc đó, gần chục thành viên trong nhóm tình nguyện "Điều ước ban mai" của Ngân đã chờ sẵn ở Gò Vấp để nhận hàng. Xe vừa đến, mọi người dỡ hàng hóa xuống, phân chia thành từng phần quà, mỗi phần gồm: 5kg gạo, 5kg khoai, 1 thùng mì, 10 hộp cá mòi, 20 quả trứng và một phần rau củ.
Tuy bận rộn đến nửa đêm, nhưng sáng sớm hôm sau, Ngân và thành viên trong nhóm đã chia nhau đến từng con hẻm để trao quà tận tay cho những người đang cần sự giúp đỡ.
Rút kinh nghiệm trong ba đợt phát quà từ những đợt dịch năm trước ở quê nên lần này Ngân không chọn hình thức phát tập trung một điểm. Chàng trai biết, nhóm mình neo người, không đủ sức điều phối dễ dẫn đến "vỡ trận".
"Những lần trước dù đã phát phiếu nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh chen lấn. Người không có phiếu cũng đến xếp hàng, tranh nhau từng chỗ đứng rất lộn xộn. Tụi em chỉ còn cách đi trao quà từng nhà, như thế nhóm kiểm soát được đã đến đâu, trao quà cho ai", chàng trai nói.
Để tìm được những hoàn cảnh cần giúp đỡ, Ngân mở một link đăng ký, nhờ cộng đồng chia sẻ khắp các hội nhóm trên Facebook. Ngày đầu tiên, hàng trăm lượt đăng ký gửi về, để lại thông tin cá nhân và hoàn cảnh hiện tại. Một nhóm thành viên sẽ gọi điện, xác minh hoàn cảnh rồi nhóm khác sẽ mang quà trao tay.
"Em biết giữa lúc dịch thế này di chuyển nhiều rất nguy hiểm cho các thành viên nhóm. Tụi em chỉ còn cách tự trang bị cho mình khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách khi trao quà. Các thành viên trong nhóm những ngày này cũng không ra khỏi Gò Vấp và tự cách ly 21 ngày sau đợt giãn cách này", Ngân nói.
Được sự giới thiệu từ cô giáo của con trai, anh Huỳnh Văn Bình, 35 tuổi ở phường 8, quận Gò Vấp liên hệ được với nhóm của Ngân để nhờ hỗ trợ.
Vốn là một nhân viên trên tàu du lịch nhưng vì dịch Covid -19 nên hơn một năm nay anh Bình chịu cảnh thất nghiệp. Để xoay sở, người đàn ông đi dọn nhà mướn, làm phụ hồ nhưng cũng không ổn định. Công ty của vợ cũng vừa giải thể, vợ anh phải đi rửa chén mướn ở các quán ăn... Nửa năm nay, anh Bình buộc cho đứa con gái đang học lớp một nghỉ học vì không có ai đưa đón.
"Từ ngày Gò Vấp thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, tôi đã lần lượt đi cầm giấy tờ tùy thân để mua gạo. May nhờ Ngân hỗ trợ, phần quà cũng đủ cho gia đình 5 người cầm cự hết tuần này. Mong hết giãn cách, tôi đi làm để trả tiền nhà trọ vì chủ nhà đã giục lắm rồi", ông bố ba con nói.
Khi đến tặng quà cho từng hộ gia đình, Ngân cũng không quên để lại những mẩu giấy nhỏ ghi thông tin của nhóm nhờ mọi người chuyền tay đến các hoàn cảnh khó khăn khác.
Trên mỗi thùng mì chàng trai còn dán mẩu giấy với dòng chữ: "Cho phép Điều ước ban mai gửi đến quý gia đình một chút tấm lòng để chia sẻ bớt một phần nỗi lo cuộc sống đợt giãn cách chống dịch". Vì anh biết, có nhiều người sẽ ngại khi buộc phải nhận quà từ thiện.
Nhận được quà và thấy dòng chữ này, một người đàn ông đã cám ơn nhóm rất nhiều rồi bật khóc. "Vì vợ đăng ký nên ảnh không biết. Ảnh nghĩ gia đình mình vẫn còn có thể cầm cự được, chưa xứng đáng để nhận món quà này. Sau đó ảnh đã chuyển đến em 100 nghìn và nói bây giờ ảnh chỉ còn từng ấy tiền, nhờ em mua quà gửi đến những người khó khăn khác", Trí Ngân chia sẻ.
Những ngày này, thời tiết Sài Gòn nắng mưa thất thường. Có hôm đang đội nắng chang chang, cả nhóm lại bị cơn mưa rào làm ướt sạch. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong nhóm, Ngân dự định khi phát hết 700 phần quà thì tạm ngưng chương trình.
Tuy nhiên, dù link đăng ký đã đóng, cậu vẫn nhận được hàng chục tin nhắn cầu cứu từ người dân Gò Vấp đến trang Facebook của nhóm. Những mạnh thường quân vẫn chuyển tiền đến nhờ anh mua quà, nhiều người vẫn chở gạo, mì, nước tương tới cùng Ngân "góp gạo thổi cơm" cho người nghèo. Không thể chối từ lòng tốt của cộng đồng, chàng trai đã mua thêm gạo, rau củ, trứng, mì, cá hộp. Mọi người vẫn cùng nhau chia quà, tiếp tục tặng người dân Gò Vấp trong ngày mai.
"Một lần đi một lần khó, em vẫn làm phần quà đầy đủ các loại thực phẩm để tặng. Nếu vẫn còn những tấm lòng thì chắc chắn em sẽ tiếp tục làm cầu nối, trao quà tận tay những người khó khăn đang cần", chàng trai nói, quên bẵng những nỗi lo về sức khỏe và ý định ngưng chương trình như đã nói hôm qua.