Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước đạt tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên bất cập lớn nhất hiện nay là đa phần hàng hóa không xuất khẩu trực tiếp, đều phải thông qua khâu trung gian. Đó là thông tin được đại diện Bộ Công thương cho biết tại hội thảo triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài”, ngày 26/5.
Giải cứu dưa hấu rớt giá.
Xuất khẩu qua trung gian
Ông Đặng Hoàng Hải- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, năm 2016 Việt Nam xuất khẩu đạt 146 tỷ USD qua nước ngoài. Song vẫn bất cập vì hàng hóa ra nước ngoài nhiều nhưng phần lớn bán qua đại lý, đơn cử như: da giày, thủy sản, nông sản. Ông Đặng Hoàng Hải dẫn chứng, hàng Việt Nam nhưng đóng gói của các thương hiệu nước ngoài. Cụ thể cà phê cabuchino của Việt Nam xuất khẩu sang các nước châu Âu rất nhiều nhưng sản phẩm này không có chữ Việt Nam nào, tương tự cá tra xuất không ít vậy mà tên trên bao bì lại do một công ty khác sở hữu.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), ngay từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mà mở đầu là các nước châu Âu như Đức với Metro hay Pháp với tập đoàn Bourbon. Cũng từ đó các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào các hệ thống phấn phối của nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, để các sản phẩm Việt Nam có mặt tại các hệ thống phân phối trên toàn thế giới có thể nó đã phải trải qua rất nhiều khâu trung gian, với nhiều hình thức xuất khẩu khác nhau đẩy giá sản phẩm tăng cao khi đến tay người tiêu dùng.
Bàn về việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài, không ít DN than phiền. Theo cộng đồng DN Việt, xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài không đơn giản, nhiều yêu cầu được đặt ra như: số lượng, chất lượng, tài chính,… Đây chính là những điểm yếu buộc DN phải liên kết với trung gian, đại lý. “Biết rõ xuất khẩu qua trung gian thiếu bền vững, không chủ động, lợi nhuận không cao nhưng DN vẫn phải áp dụng. Lý do “cánh cửa” cửa mạng lưới phân phối nước ngoài rất hẹp. Sản phẩm Việt trật vật thâm nhập mạng lưới phân phối trong nước, huống hồ mạng lưới phân phối nước ngoài”, một DN than thở. Đại diện một số DN khẳng định, “rào cản” lớn nhất hạn chế sản phẩm Việt vào hệ thống phân phối các nước chính là chất lượng. Hàng Việt Nam chỉ mới đạt chuẩn chất lượng trong không gian hẹp. Yêu cầu hiện nay, hàng hóa phải đạt chuẩn quốc tế trong hội nhập chung.
Rào cản chất lượng
Ông Albin Bertrand- Giám đốc thu mua thực phẩm của Aucham Retail Việt Nam cho rằng, thời làm ăn giá rẻ đã qua các nhà phân phối đang đi tìm chất lượng, với sản phẩm hữu cơ. Cạnh tranh bằng chất lượng sẽ có tương lai tốt hơn, cho nên hiện nay các nhà phân phối đều hướng đến mục tiêu kinh doanh đó. Mặc dù, thị trường thế giới đặc biệt quan tâm đến chất lượng, thế nhưng DN Việt lại có phần yếu về vấn đề này. Bằng chứng, thời gian gần đây thông tin thị trường Hoa Kỳ từ chối nhập khẩu hàng Việt (gạo, cá, tôm,...) ngày càng nhiều vì vi phạm về chất lượng thực phẩm. Tính từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 4 có đến 23 cuộc cảnh báo đối với hàng nhập khẩu mà Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức đưa ra trên website. Ông Rick Gilmore- Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu (GFSF) từng cho hay, năm 2014 - 2016 xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ giảm 32%, khoảng gần 1.000 chuyến hàng đến cảng Hoa Kỳ bị từ chối, gây thiệt hại lớn cho DN. Về mặt hàng rau củ quả xuất khẩu chỉ dưới 10% là có chứng nhận an toàn và Việt Nam vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh.
Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, thanh long chiếu xạ vẫn bị chặn ở Hoa Kỳ; cá, gạo, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. “Sắp tới, thị trường các nước nhập khẩu không chấp nhận kiểu làm ăn hên xui. DN Việt không thể “đánh bóng” sản phẩm ở khâu cuối rồi cho xuất khẩu”, bà Vũ Kim Hạnh cảnh báo. Theo bà Hạnh, FDA yêu cầu, trong từng khâu trên toàn chuỗi cung ứng tạo sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ đều phải có kiểm định phòng ngừa rủi ro. Nghĩa là, DN xuất khẩu phải có bộ hồ sơ đăng ký ngay từ đầu bao gồm các thông tin: mua nguyên liệu của người nào? sản xuất - chế biến ở đâu? địa chỉ làm nhãn hiệu?...
DN Việt Nam chỉ quan tâm đến chất lượng như VietGap, Iso, Haccp,... trong khi Hoa Kỳ và các nước không quan tâm đến chất lượng này. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, muốn thâm nhập vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối lớn trên thế giới DN Việt phải đảm bảo chất lượng cho sản phẩm ở cả một dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, cần xây dựng hàng Việt Nam chuẩn hội nhập cả trong nước lẫn nước ngoài.
Chủ động đưa hàng lên kệ
Mong muốn hàng Việt có thể xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối các nước, Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mạng phân phối nước ngoài không chỉ ở châu Âu, châu Á mà trên phạm vi toàn thế giới. Đề án nhằm cụ thể hóa mục tiêu trình Chính phủ là thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu; tăng quy mô kim ngạch, đa dạng chủng loại các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các hệ thống phân phối nước ngoài.
Theo đó, đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của các ngành hàng như dệt may, giầy dép, nông sản, cà phê, chè, thủy sản tăng thêm 10 - 15%. Mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống phân phối thêm 2 - 3 hệ thống và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài tăng thêm 10 - 15% đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình.
Để đạt được kết quả trên Bộ Công Thương sẽ tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối châu Âu và châu Á tại các nước: Italia (Coop Italia, Conad), Pháp (Auchan, Casino), CH Séc (Makro), Thái Lan (Central Group), Nhật (Aeon). Ngoài ra, Bộ Công Thương kêu gọi các Cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành nghề cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là các nhà phân phối nước ngoài có mặt tại Việt Nam cùng đồng hành, phối hợp và hợp tác với Bộ Công Thương để triển khai các hoạt động liên quan. “Cần tập trung phát triển luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường phổ biến thông tin, quy định mới cũng như các thông tin thị trường giúp DN kịp nắm bắt và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường”, bà Vũ Kim Hạnh nêu quan điểm.