Chật vật lo tuyển giáo viên

Dung Hòa 11/08/2023 07:00

Càng cận kề năm học mới 2023- 2024, câu chuyện đội ngũ giáo viên đứng lớp càng trở thành đề tài quan tâm. Để ứng phó với tình trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ nhằm thu hút giáo viên, sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi về công tác.

Nhiều địa phương gặp khó trong việc tuyển dụng giáo viên. Ảnh: Mạnh Dũng.

Chủ yếu thiếu giáo viên môn học mới

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Điện Biên cho hay, trước thềm năm học mới 2023- 2024, Sở cùng các huyện đang hoàn thiện quy trình tuyển dụng viên chức, bổ sung nhân lực giáo viên cho năm học tới. Tuy nhiên, tình hình tuyển dụng không mấy khả quan, đặc biệt là đối với các môn chuyên biệt. Nhiều vị trí tuyển dụng không có giáo viên đến đăng ký như: Giáo viên môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Một số vị trí rất ít người dự tuyển như: Giáo viên văn hóa bậc tiểu học, Tin học. Theo định mức, ngành GDĐT huyện Mường Nhé còn thiếu hơn 300 giáo viên, điều này khiến địa phương thêm nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên cho năm học mới.

Tương tự, tại Thanh Hóa, ngành GDĐT địa phương này cũng đang thiếu 10.256 giáo viên theo quy định của Bộ GDĐT. Còn theo định mức của UBND tỉnh, ngành thiếu gần 6.900 giáo viên. Một số môn học thiếu giáo viên trầm trọng như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh.

Ngay tại Hà Nội, theo thông tin mới nhất từ Sở Nội vụ, mỗi năm, số lượng học sinh khối trường công lập tăng 6%, nhưng từ năm 2015 đến nay số giáo viên không tăng. Qua rà soát, trên địa bàn TP Hà Nội hiện thiếu khoảng 8.939 biên chế…

Thống kê mới nhất từ Bộ GDĐT (tại báo cáo tổng kết năm học 2022- 2023 vừa qua) cho hay: Hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên (thiếu nhiều hơn 11.308 người so với năm học 2021 – 2022 trước đó). Thực tế cho thấy tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Dù cấp THPT phải tuyển mới hoàn toàn giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật nhưng hiện nay đa phần các địa phương đều rơi vào tình trạng không có nguồn tuyển nên không thể nào tuyển được. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Trải thảm đỏ để tìm thầy

Để ứng phó với tình trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương đã “mạnh tay” chi tiền mời giáo viên, sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi về công tác. Đơn cử mới đây, HĐND tỉnh Hưng Yên ra nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn từ ngày 1/8. Theo đó, giáo viên tiểu học được hỗ trợ 108 triệu đồng và giáo viên mầm non 162 triệu đồng/người. Số tiền này được trao trực tiếp theo hình thức một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, các phụ cấp khác. Tỉnh cũng đưa ra điều kiện các giáo viên nhận hỗ trợ cam kết giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố tối thiểu 10 năm kể từ ngày được tuyển dụng.

HĐND tỉnh Hưng Yên lý giải, việc ban hành nghị quyết này nhằm kịp thời bảo đảm yêu cầu về số lượng, tăng cường chất lượng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trong thời gian tới. Đồng thời, nghị quyết góp phần động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân hăng say học tập, tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Kinh phí được tỉnh dự tính khoảng 300 tỷ đồng và thời gian thực hiện quy định này đến hết ngày 30/12/2030.

Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ cũng ban hành chủ trương tuyển dụng đặc cách các giáo viên mầm non đủ điều kiện vào biên chế, làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn năm học 2023 - 2024. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh 896 giáo viên hợp đồng thuộc đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Để các thầy cô yên tâm công tác, tỉnh đã đưa ra phương án tuyển dụng đặc cách toàn bộ 816 chỉ tiêu đối với giáo viên mầm non hợp đồng thuộc đối tượng trên. Còn lại 80 giáo viên sẽ tuyển dụng đặc cách vào năm 2024.

Tại hội nghị của Thành ủy Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vừa diễn ra, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT đã đề nghị các bộ, ngành, thành phố tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo. Cụ thể: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Ông Cương cũng đề nghị cần xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên; không áp dụng máy móc mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chật vật lo tuyển giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO