Chật vật mưu sinh

LÊ ANH 14/06/2023 10:03

Mất việc làm, nhiều người lao động ở TPHCM phải gồng gánh trên lưng nỗi lo cơm áo gạo tiền để mưu sinh hàng ngày. Không ít lao động tự do, người kinh doanh nhỏ lẻ do ảnh hưởng của “bão” lạm phát, buôn bán ế ẩm phải tính chuyện bỏ phố về quê sinh sống.

Ông Đức Anh đang tính bán chiếc xe ba gác để về quê mưu sinh.

Xoay xở từng bữa

Đã mấy tháng kể từ khi nghỉ việc lại công ty ChangShin Việt Nam, chị Chu Thị Minh Thùy (SN 1986, trú huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa tìm được việc làm mới. Ở dãy trọ chỉ chừng hơn 100m2 tại phường 5, quận Gò Vấp chung với chị Thùy có 17 chị em cũng chung cảnh ngộ bị cắt giảm lao động do công ty thiếu đơn hàng hoặc giảm quy mô nhà xưởng sản xuất.

“Tôi nghỉ làm từ đầu năm, được chi trả một khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp, tôi đã chuyển về quận Gò Vấp thuê trọ trong lúc tìm công việc mới. Thế nhưng, hiện rất ít công ty có nhu cầu tuyển thêm lao động phổ thông do kinh doanh khó khăn, không có đơn hàng mới” - chị Thùy cho biết.

Cùng hoàn cảnh như chị Thùy, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (SN 1991, trú tại Bình Thuận) trước đây không phải lo lắng về bữa ăn hàng ngày do lương hàng tháng của hai vợ chồng tại Công ty TNHH BL Leather tương đối ổn định, còn có thêm khoản tiết kiệm gửi về quê nuôi cha mẹ. Thế nhưng, kinh tế khó khăn đã khiến chồng chị Yến mất việc, giờ phải chạy tạm grab trong lúc tìm công việc mới ổn định hơn.

“Thu nhập hiện tại một mình tôi gánh vác chính, hầu như tháng nào lo tháng đó. Hiện vẫn đang trong giai đoạn hai cháu nghỉ hè, tháng tới bắt đầu vào giai đoạn đầu cấp mới, không biết chúng tôi sẽ xoay xở ra sao” - chị Yến chia sẻ.

Đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, TPHCM) trước đây nườm nượp công nhân của Công ty TNHH MTV 27/7, Công ty CP Nam Dũng, Công ty TNHH PouYuen, Công ty Tỷ Hùng thuê trọ. Thế nhưng chỉ sau chưa đầy một tháng cắt giảm số lượng lớn lao động tại các công ty này, con đường vắng vẻ, ít người qua lại. Nhiều chủ nhà trọ cửa khóa then cài, bỏ lại nhiều dãy trọ do không còn người đến thuê.

Không chỉ đối với nhóm lao động bị giãn việc hoặc thuộc đối tượng bị cắt giảm lao động trong đợt biến động vào các tháng 3 đến tháng 5/2023, phần đông lao động tự do và người làm việc thời vụ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của suy giảm kinh tế và lạm phát từ đầu năm đến nay. Bà Hoàng Anh (60 tuổi, quê ở Cái Răng, Cần Thơ) đến TPHCM làm ăn đã nhiều năm, trải qua nhiều công việc từ làm lao công ở bệnh viện đến công nhân vệ sinh môi trường, phụ bếp ăn… Thế nhưng bà cũng không khỏi bất ngờ vì hiện tại đang phải xoay xở từng bữa do biến động suy giảm kinh tế. “Công việc không suôn sẻ do quán ăn kinh doanh ế ẩm, tôi về phụ giúp chồng bơm lốp xe qua ngày ở Thủ Đức. Chồng cô làm thêm nghề bán lồng chim, chim cảnh các loại, thu nhập của hai vợ chồng cố lắm cũng chỉ khoảng 25.000-50.000 đồng/ngày, có khi ngày mưa gió không ai bơm vá lốp xe, cuộc sống quá khó khăn”.

Cũng phải chật vật mưu sinh ở TPHCM, chị Nguyễn Phương Thu (46 tuổi, quê Bắc Ninh) từ khi mất việc ở công ty giày da ở quê, được bạn bè giới thiệu vào hùn vốn làm nghề thu lượm ve chai kiếm sống. “Đợt dịch Covid-19 thì vợ chồng tôi chuyển vào quận Bình Tân, dù mới tập tành mua lại ve chai từ những người thu gom nhỏ lẻ để bán cho các cơ sở tái chế nhưng cũng thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Thế nhưng, mấy tháng gần đây giá thu mua nhiều loại ve chai tăng, vật giá leo thang kèm theo các chi phí sinh hoạt tăng khiến cuộc sống rất khó khăn”.

Cũng theo cô Thu, nhiều trường hợp người thu gom nhỏ lẻ là “khách quen” còn gặp hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều khi có ngày không kiếm được tiền lo cho bữa ăn. Ngoài công việc giản đơn, nhiều người cũng không thể tìm được một công việc khác để mưu sinh. Đó là trường hợp ông Trần Đức Anh (64 tuổi, sống tại Thanh Đa, quận Bình Thạnh) làm nghề chạy xe ba gác chở hàng.

“Sau dịch, tôi vẫn chạy từ 3-5 cuốc xe mỗi ngày, thu nhập từ 120.000-250.000 đồng/ngày, thế nhưng thời gian gần đây thì rất ế ẩm. Có ngày không ai gọi chở thuê. Kinh tế khó khăn, ai cũng chắt bóp chi tiêu. Mặt khác giờ người ta cũng thuê chở hàng bằng xe bán tải, còn xe ba gác ít người gọi” - ông Anh cho biết.

Vì quá thiếu thốn, ông Đức Anh đang muốn bán chiếc xe ba gác đã gắn bó hơn 20 năm để cùng vợ con về quê sinh sống.

Bà Hoàng Anh phải mưu sinh bằng công việc mới.

Cần giải pháp cấp bách

Trước “làn sóng” công nhân, người lao động (NLĐ) bị mất việc, thất nghiệp kèm theo nhiều người phải chật vật mưu sinh do lạm phát, kinh tế khó khăn, Sở LĐTBXH và LĐLĐ TPHCM đã tham mưu nhiều giải pháp để hỗ trợ kịp thời các nhóm yếu thế trong xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM, kể từ đầu năm nay khi nhiều lao động bị giãn việc, mất việc do các doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng hoặc thu hẹp sản xuất, Sở đã làm việc với từng đơn vị, giám sát rất chặt chẽ quá trình giải quyết chế độ chính sách theo kế hoạch các DN đưa ra theo quy định của Bộ luật Lao động. Song song đó, công tác tư vấn giới thiệu việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng được triển khai để hỗ trợ kịp thời số lao động mất việc.

Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở đã phối hợp với Công đoàn các công ty để khảo sát nguyện vọng việc làm, đào tạo nghề của NLĐ. Để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, quý II năm nay TPHCM sẽ tổ chức gần 50 phiên/sàn giao dịch việc làm trên toàn thành phố. Ngoài giới thiệu việc làm trực tiếp, các sàn giao dịch việc làm trực tuyến cũng sẽ được TPHCM phối hợp với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ để hỗ trợ giải quyết việc làm cho công nhân, NLĐ. Trước đó, trong quý I, Sở LĐTBXH cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 25 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 40.000 lượt NLĐ, trong đó tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho hàng ngàn lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp để chuyển đổi việc làm.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu nhân lực trong quý II/2023 của thành phố vào khoảng 67.000 - 73.000 chỗ làm việc. Dù vậy, nhóm lao động phổ thông vẫn tiếp tục phải đối diện với khó khăn do lạm phát và ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu. Thay vào đó, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, lao động có tay nghề, kỹ năng, kỷ luật lao động và khả năng ứng dụng CNTT và thông thạo ngoại ngữ.

Về giải pháp lâu dài, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đang theo sát việc nắm bắt "sức khỏe" của các DN trên địa bàn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Riêng quý II cũng sẽ là thời điểm TPHCM tập trung tổ chức nhiều buổi đối thoại với DN để tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hỗ trợ, tham vấn chính sách pháp luật lao động và có kế hoạch phối hợp hỗ trợ, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho công nhân, NLĐ.

Chuẩn bị nhân lực cho công nghiệp 4.0

Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội khoa học quản lý và kinh tế TPHCM, không chỉ riêng TPHCM, nhiều địa phương cũng đang chịu tác động trực tiếp của lạm phát và đà suy giảm kinh tế toàn cầu. Nhiều lao động bị giãn việc, mất việc, lao động tự do chật vật… nếu không có giải pháp kịp thời thì giai đoạn tiếp theo chúng ta sẽ chứng kiến nhiều DN phá sản hoặc ngừng sản xuất. Hiện nay, số DN không có đơn hàng hoặc phải thu hẹp sản xuất tại các KCN, KCX của TPHCM đang cho thấy xu hướng đó. Có thể nói, tác động của công nghiệp 4.0, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo gần đây là cảnh báo để TPHCM cần nắm bắt và có sự đánh giá, chuẩn bị nhân lực và mô hình thu hút đầu tư cho giai đoạn kinh tế kế tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chật vật mưu sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO