Châu Âu tiên phong kiểm soát AI

Mai Phương 12/05/2023 07:39

Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến người dùng choáng ngợp, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên lo ngại về hệ lụy của nó. Ngay cả các quan chức của Liên minh Châu Âu cũng đã tỏ ra lo lắng.

Đạo luật AI của EU có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu trên thực tế cho trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Metaverse Post.

Sớm hoàn thiện Đạo luật AI

2 năm trước, khối 27 quốc gia EU đã đề xuất các quy tắc đầu tiên đối với AI, tập trung vào việc kiểm soát các ứng dụng rủi ro nhưng chỉ có phạm vi hẹp. Các hệ thống AI có mục đích chung như chatbot hầu như không được đề cập. Thời điểm đó, các nhà lập pháp làm việc về Đạo luật AI đã cân nhắc xem có nên đưa chúng vào hay không nhưng không chắc chắn bằng cách nào, thậm chí còn đắn đo liệu điều đó có cần thiết hay không.

“Sau đó, ChatGPT bùng nổ khiến mọi sự đắn đo đều tan biến” - ông Dragos Tudorache, thành viên người Romania của Nghị viện châu Âu, cho biết.

Việc OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm ngoái đã thu hút sự chú ý của thế giới vì khả năng tạo ra các phản hồi giống như con người dựa trên những gì nó đã học được từ việc quét một lượng lớn tài liệu trực tuyến.

Đạo luật AI của EU có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho trí tuệ nhân tạo, khi các công ty và tổ chức có khả năng quyết định rằng quy mô tuyệt đối của thị trường này sẽ giúp tuân thủ dễ dàng hơn là phát triển các sản phẩm khác nhau cho các khu vực khác nhau.

Các quy định sâu rộng của EU - bao gồm bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm AI nào - dự kiến sẽ được ủy ban Nghị viện châu Âu phê duyệt vào ngày 12/5, sau đó sẽ tiến hành đàm phán giữa 27 quốc gia thành viên, Nghị viện và Ủy ban điều hành của EU.

Bà Sarah Chander - cố vấn chính sách cấp cao của nhóm quyền kỹ thuật số EDRi, cho biết: “Châu Âu là khối khu vực đầu tiên cố gắng điều chỉnh AI, đây là một thách thức lớn khi xem xét nhiều loại hệ thống mà thuật ngữ “AI” có thể bao hàm”.

Nhà Trắng (Mỹ) gần đây đã mời những người đứng đầu các công ty công nghệ làm việc về AI bao gồm Microsoft, Google và công ty tạo ra ChatGPT – OpenAI, để thảo luận về các rủi ro, trong khi Ủy ban Thương mại Liên bang đã cảnh báo rằng, họ sẽ không ngần ngại áp đặt những quy định kiểm soát.
Trong khi đó, Trung Quốc đã ban hành dự thảo quy định bắt buộc đánh giá bảo mật đối với bất kỳ sản phẩm nào sử dụng hệ thống AI tổng quát như ChatGPT. Cơ quan giám sát cạnh tranh của Anh đã mở một cuộc đánh giá về thị trường AI, trong khi Italy đã cấm ChatGPT trong một thời gian ngắn do vi phạm quyền riêng tư.

Dẫn dắt kiểm soát AI

Việc các quy tắc của châu Âu ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới (hay còn gọi là hiệu ứng Brussels) trước đây đã diễn ra sau khi EU thắt chặt quyền riêng tư dữ liệu và bắt buộc sử dụng cáp sạc điện thoại thông thường, mặc dù những nỗ lực như vậy đã bị chỉ trích là kìm hãm sự đổi mới. Tuy nhiên lần này phản ứng từ các “ông lớn” công nghệ có thể khác. Các nhà lãnh đạo công nghệ như Elon Musk và đồng sáng lập Apple Steve Wozniak đã kêu gọi tạm dừng 6 tháng để xem xét các rủi ro.

Ông Geoffrey Hinton, nhà khoa học máy tính được mệnh danh là “bố già của AI” và người tiên phong về AI Yoshua Bengio đã lên tiếng về sự phát triển AI không được kiểm soát. Ông Tudorache cho biết, những cảnh báo như vậy cho thấy động thái bắt đầu xây dựng các quy tắc về AI vào năm 2021 của EU là “hành động đúng đắn”.

Google, công ty đã phản hồi ChatGPT bằng chatbot Bard của riêng mình và đang tung ra các công cụ AI, cho rằng “AI quá quan trọng để điều chỉnh”. Trong khi đó, Microsoft đã hoan nghênh nỗ lực của EU như một bước quan trọng “hướng tới việc biến AI đáng tin cậy trở thành tiêu chuẩn ở châu Âu và trên toàn thế giới”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, bà Mira Murati - Giám đốc công nghệ của OpenAI cho biết, các chính phủ nên tham gia vào việc điều tiết công nghệ AI. Nhưng khi được hỏi liệu một số công cụ của OpenAI có nên được phân loại là có tính rủi ro cao hay không, trong bối cảnh các quy tắc châu Âu được đề xuất, bà Murati cho rằng: “Điều đó phụ thuộc vào nơi bạn áp dụng công nghệ. Nếu AI được sử dụng trong ngành y hoặc sử dụng một cách bất hợp pháp thì nó có rủi ro rất cao khi so với sử dụng trong ngành kế toán hoặc quảng cáo”.

Theo một dự thảo luật mà AP tiếp cận được, các điều khoản được bổ sung gần đây vào Đạo luật AI của EU sẽ yêu cầu các mô hình AI “nền tảng” tiết lộ tài liệu bản quyền được sử dụng để đào tạo các hệ thống.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi nhận được sự chấp thuận cuối cùng, dự kiến muộn nhất là vào cuối năm hoặc đầu năm 2024, Đạo luật AI sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Sẽ có một khoảng thời gian gia hạn để các công ty và tổ chức tìm ra cách áp dụng các quy tắc mới.

Ông Frederico Oliveira Da Silva - quan chức pháp lý cấp cao của nhóm người tiêu dùng châu Âu (BEU) cho biết, ChatGPT chỉ mới ra mắt cách đây 6 tháng và nó đã gây ra một loạt vấn đề đáng quan tâm. Nếu Đạo luật AI không có hiệu lực hoàn toàn trong nhiều năm nữa, điều gì sẽ xảy ra trong những năm này? “Đó thực sự là mối quan tâm của chúng tôi, và đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng đứng đầu tập trung vào công nghệ này” – ông Da Silva nói..

Nhiều quốc gia đang cố gắng tìm ra cách kiểm soát AI để đảm bảo rằng nó cải thiện cuộc sống của mọi người mà không đe dọa đến quyền lợi cũng như sự an toàn. Các cơ quan quản lý lo ngại về những rủi ro đạo đức và xã hội mới do ChatGPT và các hệ thống AI có mục đích chung khác gây ra, có thể biến đổi cuộc sống hàng ngày, từ công việc và giáo dục sang bản quyền và quyền riêng tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu tiên phong kiểm soát AI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO