Theo thống kê của Bộ GDĐT, từ đầu năm 2020 đến ngày 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới. Sự phát triển rầm rộ của giáo dục đại học thời gian qua liệu có gắn với chất lượng đào tạo hay chỉ là bề nổi?
Trước thông tin phản ánh của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online về việc một số trường không đủ lượng giảng viên cơ hữu ở một số ngành học, giáo viên chủ yếu là thuê ngoài, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, đối với các ngành không đáp ứng yêu cầu theo quy định, Bộ sẽ xử lý sau khi kiểm tra, thanh tra hoặc rà soát tùy theo mức độ vi phạm theo các quy định pháp luật liên quan.
Sẽ xử lý tùy theo mức độ vi phạm
Như Báo Đại Đoàn Kết Online đã thông tin ở các bài viết trước, việc chạy đua mở ngành học mới của các cơ sở giáo dục đại học dẫn tới tình trạng một số ngành học mở ra không đủ người học, không duy trì được chất lượng đội ngũ giảng viên, không đủ số giảng viên cơ hữu.
Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã có nội dung trả lời Báo Đại Đoàn Kết Online.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, khi thực hiện mở các chương trình đào tạo mới, các trường phải đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng viên theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu đội ngũ giảng viên có sự thay đổi thì các trường vẫn luôn phải đảm bảo quy định về đội ngũ giảng viên theo quy định.
Cụ thể, nếu việc mở mới chương trình đào tạo ở trình độ đại học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 6/9/2017 của Bộ GDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học và việc mở mới chương trình đào ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ GDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.
Về thông tin phản ánh một số trường không có đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu ở một số khoa, ngành đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, các chương trình đào tạo được mở mới của các trường được kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch định kỳ, đột xuất hoặc theo kế hoạch rà soát hằng năm của Bộ GDĐT.
“Đối với các ngành không đáp ứng yêu cầu theo quy định, Bộ GDĐT sẽ xử lý sau khi kiểm tra, thanh tra hoặc rà soát tùy theo mức độ vi phạm theo các quy định pháp luật liên quan”, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học khẳng định.
Trước bài toán về chất lượng đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, khi mở các chương trình đào tạo mới, các trường phải thực hiện theo các yêu cầu quy định tại một trong 2 thông tư đã nêu ở trên. Trong đó, yếu tố rất quan trọng là trường phải xác định được nhu cầu xã hội, nhu cầu thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, và định vị “thương hiệu”, uy tín của mình trong thị trường đào tạo ngành này.
Bên cạnh đó, chương trình được mở mới cũng phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo chất lượng để khẳng định giá trị đem lại của chương trình đối với người học.
“Bộ GDĐT đã và đang chỉ đạo các trường thực hiện đánh giá và kiểm định các chương trình đào tạo. Qua đó, các điểm mạnh, yếu của các chương trình sẽ được xác định, bao gồm cả khả năng đáp ứng của chương trình đối với nhu cầu xã hội; đồng thời làm cơ sở để cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo giúp cho việc thu hút người học theo học các chương trình này”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.
Cần sự giám sát cho xã hội
Nhiều năm làm công tác đào tạo, TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc mở ngành học mới nằm trong chiến lược phát triển của mỗi cơ sở đào tạo.
Trong xu hướng tự chủ, các trường vừa phải bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo của các ngành thế mạnh; đồng thời vừa phải tìm hướng mở ngành học mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, theo TS Long, khi mở một ngành đào tạo mới, việc đầu tiên cần phải làm là phân tích, đánh giá sâu sắc nhu cầu của thị trường lao động. Thứ hai, cơ sở giáo dục phải có sự chuẩn bị đầy đủ về các điều kiện đảm bảo chất lượng thì mới có thể tổ chức giảng dạy, tạo ra cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng.
TS Long cũng nhìn nhận: "Trong cơ chế cạnh tranh như hiện nay, thực hiện công khai các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, học phí... của chương trình đào tạo là việc các cơ sở giáo dục bắt buộc phải làm để người học, xã hội cùng giám sát, hơn nữa cũng là một hình thức quảng cáo uy tín của nhà trường".
Lo ngại trước tình trạng các trường ồ ạt mở ngành mới, ngành hot để thu hút người học, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, Bộ GDĐT cần kiên quyết kiểm soát các trường, không để tình trạng mở ngành đào tạo tăng quá nhanh trong khi không đảm bảo được đội ngũ giảng dạy gây ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
Đồng thời, yêu cầu các trường phải công khai các điều kiện đảm bảo, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm..., từ đó cân đối thực trạng đào tạo thừa hay thiếu để làm căn cứ điều chỉnh chỉ tiêu tiêu tuyển sinh cho những năm tiếp theo.
Theo TS Khuyến, nếu thực hiện minh bạch, chặt chẽ thì các trường sẽ không ồ ạt mở ngành mà sẽ mở theo cách thận trọng hơn. Trong điều kiện nhân sự mỏng, thanh tra Bộ không thể thanh kiểm tra tất cả các trường như hiện nay thì Bộ nên chia sẻ trách nhiệm giám sát cho toàn xã hội.
“Bộ GDĐT cần mạnh dạn kêu gọi người dân, cộng đồng cùng tham gia giám sát, thẩm định chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Tôi cho rằng, đây không phải là lĩnh vực bảo mật mà cần phải được công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc khi sản phẩm đầu ra không đạt chất lượng, sinh viên ra trường không có việc làm”, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), thực trạng hiện nay, có trường mở ngành học mới nhưng thực chất nội hàng không khác nhau, vẫn đội ngũ giảng viên đấy, thậm chí là không đủ. Trong khi điều kiện đầu tiên khi mở ngành mới là phải bảo đảm về đội ngũ giảng viên kể cả cơ hữu lẫn thuê ngoài. Kinh doanh dịch vụ giáo dục là phải mua lòng tin của người tiêu dùng ở đây là người học, bằng cách công khai các quy trình, điều kiện mở ngành, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc công khai này phải thực chất chứ không phải làm cho có.
TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, về phía cơ quan quản lý, khi có sự phản ánh của báo chí cần phải thanh tra, kiểm tra nghiêm túc để bảo vệ quyền lợi người học. Tùy theo mức độ vi phạm đưa ra các hình thức xử lý phù hợp, cần thiết thì đóng cửa ngành đó lại để răn đe.