Cứ sau mỗi mùa giải, lãnh đạo đội bóng Sông Lam Nghệ An (SLNA) lại nơm nớp lo giữ chân cầu thủ. Thế nhưng, họ lo sớm cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì bởi điều kiện quyết định là tài chính thì luôn là bài toán nan giải. Trước mùa giải 2016, đội bóng xứ Nghệ lại phải chia tay hàng loạt trụ cột, cũng bởi không có tiền…
Hoàng Thịnh (phải) vừa chia tay SLNA để cập bến Thanh Hóa.
Lũ lượt ra đi
Vốn tự hào là cái nôi sản sinh nhiều nhân tài bóng đá nhưng SLNA cũng không ít lần cay đắng nuốt nước mắt vào trong khi chứng kiến cảnh cầu thủ lần lượt dứt áo ra đi một cách lạnh lùng theo tiếng gọi của đồng tiền. Ở những mùa giải gần đây, sau lứa đàn anh như Công Vinh, Dương Hồng Sơn, Minh Đức… đến lượt thế hệ của Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn, Văn Bình và mới nhất là những tài năng như Hoàng Thịnh… cũng đã chia tay đội bóng.
Kết thúc mùa bóng 2015, SLNA có đến 6 cầu thủ hết hạn hợp đồng là Hoàng Thịnh, Đình Đồng, Quang Tình, Thế Cường, Đức Cường, Minh Đức. Trong số này, ít nhất 4 cầu thủ đã có bến đỗ mới. Trong số này, Ngô Hoàng Thịnh (sinh năm 1992) được “đặc cách” cho thanh lý sớm và không phải đền bù hợp đồng đào tạo trẻ. Theo quy định của VFF, những cầu thủ trẻ chưa đến 25 tuổi thì không được chuyển nhượng tự do, nếu có thì phải chịu sự quản lý của CLB chủ quản. Nhưng do Hoàng Thịnh thi đấu cho đội 1 SLNA từ năm 19 tuổi nên tính đến hết năm 2015 thì tiền vệ này đã cống hiến cho SLNA đủ 5 mùa bóng.
Thực tế, không phải cầu thủ SLNA nào cũng quyết tâm ra đi. Nguyện vọng của họ luôn là cống hiến cho đội bóng quê hương, nhưng với điều kiện phải được nhận mức chuyển nhượng và lương phù hợp với mặt bằng chung của V.League.
Đơn cử như trường hợp của tiền vệ ĐTVN Ngô Hoàng Thịnh, anh chia sẻ rằng chỉ cần SLNA bỏ ra bằng 8/10 so với các đội bóng khác, sẽ tiếp tục ở lại. Tuy nhiên, do tài chính eo hẹp, đội bóng xứ Nghệ cố gắng lắm cũng chỉ đáp ứng một nửa đề nghị của các cầu thủ.
“Đời cầu thủ ngắn lắm, chỉ 8-10 năm đỉnh cao. Tôi đã cống hiến cho SLNA 5 năm nay, không có lót tay, lương chỉ hơn chục triệu/tháng. Vì vậy, khi có đội bóng khác đưa ra lời mời hấp dẫn, lại có cơ hội phát triển sự nghiệp, việc nói lời chia tay với đội bóng là rất chính đáng. Tôi nghĩ lãnh đạo CLB cũng sẽ hiểu cho chúng tôi”, Hoàng Thịnh chia sẻ.
“Con chị nó đi để con dì nó lớn”
Mùa giải trước, sự ra đi của HLV Hữu Thắng-một tượng đài của bóng đá xứ Nghệ, là một cú sốc lớn với các CĐV đội bóng SLNA. Chiến lược gia xứ Nghệ thẳng thắn chia sẻ, kể từ khi giúp SLNA giành ngôi vô địch V.League năm 2011, đến nay đội bóng không giành được danh hiệu nào đáng kể, lý do là CLB luôn trong tình trạng thiếu kinh phí nên nhiều cầu thủ trụ cột cứ lần lượt ra đi, không có tiền trả lương cao nên SLNA chỉ tuyển được những ngoại binh chất lượng từ trung bình đến thấp.
Khi người anh cả Hữu Thắng cũng phải chia tay, thì các cầu thủ trẻ không có lý do gì để tiếp tục ở lại. Nói họ đi theo tiếng gọi đồng tiền cũng chẳng sai, nhưng phải hiểu rằng trong cơ chế bóng đá thị trường, việc đi, ở là hết sức bình thường, nếu có trách, thì chỉ trách SLNA cứ mãi nghèo nên không có tiền giữ quân.
Vấn đề lớn nhất của SLNA luôn là bài toán “đầu tiên”. Thiếu tiền, mọi kế hoạch phát triển chỉ mãi nằm ở trên bàn giấy. Thiếu tiền, SLNA cứ lo tới đâu, thi đấu chỉ đặt mục tiêu trụ hạng.
Trong khoảng 3 mùa giải gần đây, được biết, SLNA chỉ nhận được số tiền 50 tỷ đồng từ Ngân hàng Bắc Á và UBND tỉnh Nghệ An, xem ra, đây vẫn tiếp tục là bài toán khó cho SLNA khi phải chi từ A đến Z gói gọn khoảng 40 tỷ đồng (sau thuế).
Nếu như những mùa giải trước lãnh đạo đội bóng thường tìm cách gây khó dễ khi có cầu thủ nào ra đi, nhưng giờ thì khác. Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho biết:“Cuộc đời cầu thủ ngắn lắm, ngoài việc cống hiến cho CLB đã đào tạo thì họ cũng có quyền của riêng mình khi tìm kiếm những hợp đồng có giá trị cao. Chúng tôi ủng hộ cầu thủ ra đi khi mà SLNA không đủ tài chính để ký kết những hợp đồng chuyển nhượng giá cao”.
Việc cứ mỗi mùa giải kết thúc hàng loạt tài năng ra đi, SLNA cũng đã biết cách đối phó để có thể tồn tại ở V.League. Đó là việc sử dụng nhiều hơn nữa các cầu thủ trẻ để họ tiến bộ nhanh, sẵn sàng thay các đàn anh. Bên cạnh đó, SLNA cũng không đặt mục tiêu cao, mà chỉ phấn đấu chơi đẹp, hết mình vì người hâm mộ để giữ bản sắc. Quan điểm của lãnh đạo đội bóng là phải tự lo lấy thân, trong khi các cầu thủ đến đội bóng mới phát triển sự nghiệp thì SLNA cũng được “thơm lây”.
Bài toán của bóng đá Nghệ An là một nhà tài trợ đủ mạnh. Nói cách khác, vấn đề của SLNA và bóng đá Việt Nam, chính là phải lấy bóng đá nuôi bóng đá. Nguồn ngân sách phải thu từ bán vé, bản quyền truyền hình, bán sản phẩm…
Chính vì thế, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc chảy máu tài năng nhìn từ SLNA, biết đâu lại đang tạo lối thoát cho các tài năng trẻ…