Thông tin tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp an toàn cho người lao động trong xây dựng” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/7 tại Hà Nội cho biết, ngành xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng nhất trong những năm qua là ngành xây dựng, xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp, chiếm khoảng 30% số vụ gây chết người.
Ảnh minh họa.
Nguồn: baomoi.com
Thời gian gần đây, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xây dựng đã xảy ra liên tiếp như: Vụ sập giàn giáo tại công trường Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, hai vụ sập giàn giáo liên tiếp tại công trình 4 tầng ở Hậu Giang vào chiều ngày 9/7 và tại công trình 17 tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 10/7, vụ cần cẩu của đơn vị thi công dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bất ngờ đứt cáp, khiến một người tử vong, 2 người khác bị thương…
Theo ông Hà Tất Thắng- Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn cho người lao động, tổ chức lao động và điều kiện lao động kém.
“Trong khi mỗi năm có khoảng 600 người chết vì tai nạn lao động nhưng số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị đề nghị khởi tố hàng năm rất ít, chỉ 3-4% và chỉ có 2% số vụ được đưa ra khởi tố. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động và an toàn vệ sinh lao động và 10% doanh nghiệp báo cáo về tai nạn lao động” - ông Thắng cho biết.
Được biết, Luật An toàn lao động được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016.