Chiều ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐInh TIến Dũng (Ảnh: Quang Vinh).
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu rõ, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách trung ương khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách trung ương có khả năng hụt thu.
Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây (53,1%), vốn trái phiếu chính phủ giải ngân đạt 7% so với dự toán.
Do vậy thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khả năng huy động vốn gặp nhiều khó khăn, việc nhiều bộ, ngành, địa phương đã được phân giao vốn, song lại chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp đã dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đi vay, làm giảm hiệu quả trong đầu tư, tác động giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm thu NSNN.
Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cũng nhận thấy, năm 2017, vay để trả nợ gốc giảm 5.812 tỷ đồng so với dự toán, chủ yếu từ ngân sách địa phương, một mặt thể hiện được khả năng trả nợ tích cực của các địa phương, góp phần bảo đảm an toàn nợ công, song mặt khác cũng phản ánh sự thiếu vững chắc của ngân sách trung ương trong khi không chủ động bố trí được nguồn để trả nợ gốc.
Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tổng hợp, xác định rõ số vốn ODA giải ngân vượt dự toán và vốn trái phiếu chính phủ có thể giải ngân trong năm 2017 để báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh đúng quy định của pháp luật.
Cần phối hợp đồng bộ trong việc chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư công kết hợp với nới lỏng vốn tín dụng, không gây các tác động đột biến tăng giá, bất ổn môi trường kinh tế vĩ mô.
Đồng thời đề nghị Chính phủ kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đã giao không giải ngân hết để bố trí bổ sung vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công hoặc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước.
Trong bối cảnh cân đối ngân sách trung ương gặp khó khăn trong nhiều năm vừa qua, theo ông Hải, Chính phủ cần rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm chi NSNN cho đoàn ra; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.
Chỉ bố trí mua xe ô tô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên, các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới thực hiện khoán chi. Không bố trí ngân sách để khởi công, khánh thành các công trình, chi cho hoạt động không thuộc nhiệm vụ chi của NSNN.
Đối với chi cải cách tiền lương, ông Hải cho biết một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7% (đạt mức 1.390.000 đồng/tháng) theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, căn cứ lộ trình tăng mức lương cơ sở khoảng 7% hằng năm từ nay đến năm 2020, có thể cho phép một số địa phương có điều tiết thu về ngân sách trung ương trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư Quỹ tích lũy tiền lương để bổ sung vốn đầu tư phát triển vì Quỹ lương của một số địa phương còn dư khá lớn sau khi đã bố trí đủ thực hiện tăng lương theo quy định nhưng không được sử dụng, gây lãng phí.
Chưa nên quy định về đặt cược thể thao Chiều cùng ngày thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đọc Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra. Cũng trong buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Trước vấn đề đặt cược thể thao, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết: Đa số ý kiến cho rằng, mặc dù đặt cược thể thao là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực thể dục, thể thao nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết. |